Tọa đàm: “Phụ nữ viết: Ngôn ngữ, cơ thể và sản xuất văn hóa” kỳ II

Tọa đàm: “Phụ nữ viết: Ngôn ngữ, cơ thể và sản xuất văn hóa” kỳ II

Tiếp nối sự kiện “Phụ nữ viết: Ngôn ngữ, cơ thể và sản xuất văn hóa” kỳ I được rất nhiều bạn quan tâm tham dự, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp kỳ II của buổi trò chuyện, tập trung vào phụ nữ với tư cách là chủ thể của hoạt động sản xuất văn hóa: người kể các câu chuyện cá nhân, nhà làm phim độc lập và nhà thơ.

Trong sự kiện “Phụ nữ viết: Ngôn ngữ, cơ thể và sản xuất văn hóa” kỳ I (7/4/2024), các diễn giả đã bàn về các vấn đề lý thuyết cũng như thực tiễn xung quanh việc phụ nữ viết văn với tư cách là một thực hành sản xuất văn hóa thông qua quá trình làm việc với ngôn từ và chính cơ thể của họ. Thế giới của ngôn ngữ vốn là thế giới nam quyền, tuân theo luật cha, lấy ngôn ngữ và biểu tượng dương vật làm trung tâm (phallogocentrism). Người phụ nữ bước vào thế giới ấy được/bị nhìn như là kẻ đánh cắp ngôn ngữ, thứ không thuộc về họ, không phải do họ xây dựng nên. Và một trong những cách các lý thuyết gia nữ quyền đề xuất là người phụ nữ viết bằng, viết về, viết ra thân thể của mình (writing the body). Theo đó, họ trở thành những chủ thể sản xuất văn hóa (thay vì là đối tượng).

Cụ thể, TS. Alisa Freedman sẽ bàn về cách thức các câu chuyện cá nhân của phụ nữ có thể truyền cảm hứng và xây dựng cộng đồng bên cạnh các diễn ngôn của định chế dựa trên kinh nghiệm của cô trong việc nghiên cứu, viết và biên tập sách về những câu chuyện cá nhân của phụ nữ và chủ trì các dự án kể chuyện.

  1. Đào Lê Na sẽ nói về nữ quyền Việt Nam nhìn từ tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua bộ phim “Hạt mưa rơi bao lâu” của đạo diễn Đoàn Minh Phượng, Đoàn Thành Nghĩa. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam không chỉ phản ánh văn hóa tâm linh người Việt, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc thể hiện sức mạnh của nữ giới.
  2. La Mai Thi Gia sẽ chia sẻ về hành trình sáng tác của cô như một nhà giáo làm thơ và những trải nghiệm khi tác phẩm của mình ra đời. Cô cũng sẽ chia sẻ về việc nghiên cứu chuyên môn văn hóa dân gian đã ảnh hưởng đến tư tưởng và ngôn từ trong thơ cô như thế nào…

Buổi nói chuyện mong muốn mở ra không gian thảo luận về các vấn đề liên quan đến đóng góp của phụ nữ vào việc sản xuất tri thức và văn hóa.

Thông tin sự kiện:

Thời gian: 6h – 9h tối, thứ Năm ngày 30/5/2024

Địa điểmNam Thi House (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM)

 

TÓM TẮT NỘI DUNG CỦA TỪNG DIỄN GIẢ:

1/ TS. Alisa Freedman: Càng ngày, những câu chuyện cá nhân của phụ nữ càng được coi trọng như một hình thức sản xuất văn hóa, viết học thuật và tài liệu giáo dục. Những câu chuyện cá nhân khác với lịch sử công cộng và các giải thích từ góc độ định chế thường kể một câu chuyện bao quát từ góc nhìn của những người nắm quyền lực. Thay vào đó, những câu chuyện cá nhân trình bày nhiều khía cạnh của vấn đề và mô tả những cảm xúc cũng như trải nghiệm cá nhân thường bị bỏ qua trong các trình bày công cộng. Câu chuyện cá nhân thúc đẩy sự hòa nhập và công bằng. Những câu chuyện cá nhân là một hình thức ghi nhận và đền bù, đồng thời là phương tiện để lắng nghe những tiếng nói đa dạng.

Bài trình bày của diễn giả sẽ dựa trên kinh nghiệm của bản thân trong việc nghiên cứu, viết và biên tập sách về những câu chuyện cá nhân của phụ nữ và chủ trì các dự án kể chuyện. Đặc biệt, diễn giả sẽ thảo luận về “Phụ nữ trong Nghiên cứu Nhật Bản” (NXB Đại học Columbia, 2023) – cuốn sách gồm 32 câu chuyện cá nhân của những phụ nữ sáng lập lĩnh vực Nghiên cứu Nhật Bản – và dự án Học giả Fulbright của cô về những phụ nữ ở Việt Nam đã sống cuộc sống xuyên quốc gia, thiết lập lĩnh vực giáo dục mới dựa trên kinh nghiệm của họ. Những dự án kể chuyện này không chỉ tạo ra những bản ghi tĩnh về những gì đã xảy ra, đúng hơn, chúng tạo thành mạng lưới năng động gồm những người kể chuyện và học giả. Chúng cho thấy cá nhân và nghề nghiệp có thể đan xen như thế nào.

Đầu tiên, diễn giả đưa ra những ví dụ đầy cảm hứng về cách phụ nữ kể câu chuyện của họ theo những cách sáng tạo, hấp dẫn – không chỉ để họ ghi nhớ mà còn để truyền cảm hứng và cố vấn – và mạng lưới mà họ đã tạo ra. Sau đó, diễn giả đưa ra lời khuyên thiết thực cho những người muốn viết và sưu tầm những câu chuyện cá nhân cũng như chủ trì các dự án. Thông tin này dựa trên hướng dẫn thực tế mà diễn giả đã xuất bản (CSWS Review 2023), hướng dẫn này miễn phí và có sẵn cho tất cả người tham gia.

2/ TS. Đào Lê Na: Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam không chỉ phản ánh văn hóa tâm linh của người Việt mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc thể hiện sức mạnh của nữ giới. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, những người phụ nữ được tôn vinh không chỉ là những người bảo hộ mà còn là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực. Các vị nữ thần trong tín ngưỡng được kính trọng không chỉ vì họ là nguồn gốc của sự sống mà còn vì các phẩm chất cá nhân như lòng dũng cảm, sự độc lập và khả năng bảo vệ người khác. Điều này cung cấp một hình mẫu cho phụ nữ trong việc theo đuổi sự độc lập, tự chủ trong cuộc sống cá nhân và xã hội.

Bộ phim “Hạt mưa rơi bao lâu” của đạo diễn Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa xoay quanh câu chuyện về một người phụ nữ tên là Lý An qua những lời kể khác nhau của những người đàn ông. Mặc dù người phụ nữ trên phim không có tiếng nói, là “cô dâu của sự im lặng” nhưng thông qua các biểu tượng văn hóa và tâm linh, sức mạnh và quyền lực của người phụ nữ được hiện diện vô cùng rõ nét. Vấn đề nữ quyền Việt Nam trong bộ phim này sẽ được thảo luận thông qua góc nhìn từ tín ngưỡng thờ Mẫu.

3/ TS. La Mai Thi Gia: Tựa “Thơ trắng” của La Mai Thi Gia được lấy từ cảm hứng ý tưởng của nữ sĩ người Pháp Hélène Cixous (bà sinh ra ở Algeria năm 1937). “Dòng chữ trắng” (L’Encre Banche, The white ink) là dụng ngữ nổi tiếng của bà trong bài viết rất có giá trị mang tên “Tiếng cười của Medusa” (Le Rire de la Méduse) ấn hành năm 1975, 1976. Trong bài viết này, bà nói: “Bao giờ cũng thế, bên trong người phụ nữ luôn luôn là một chút tốt lành của dòng sữa mẹ. Nàng viết bằng chữ trắng”.

Và như vậy “Thơ trắng” là chữ trắng, là tố chất của thân xác cũng như linh hồn của người nữ, là địa hạt riêng tư của họ. Thơ của La Mai Thi Gia cũng thế, là tố chất của thân xác và linh hồn của người đàn bà sinh ra với cái tên nghe đã là thơ.

Người tham gia sẽ cùng thảo luận với các diễn giả, không chỉ về văn học nữ mà còn về các tác phẩm văn học như những thực hành sản xuất ý nghĩa gắn với cơ thể, cá nhân, ngôn ngữ và văn hóa.

Về diễn giả:

TS Alisa Freedman: hiện là Giáo sư nghiên cứu văn hóa và văn học Nhật Bản và nghiên cứu giới tại Đại học Oregon. Cô là tác giả của “Tokyo in Transit: Japanese Culture on the Rails and Road”, “Japan on American TV: Screaming Samurai Join Anime Clubs in the Land of the Lost”. Cô cũng là người dịch của “The Scarlet Gang of Asakusa” (tác giả Kawabata Yasunari), là đồng biên tập của “Modern Girls on the Go: Gender, Mobility, and Labor in Japan”, và “Introducing Japanese Popular Culture”. Cô đã xuất bản hơn 30 bài viết về chủ nghĩa hiện đại Nhật Bản, nghiên cứu Tokyo, kinh nghiệm trao đổi học tập, du học, văn hóa giới trẻ, giới, truyền hình, tiếng cười như phê bình xã hội, nghiệp vụ sư phạm, và truyền thông kỹ thuật số, cùng với các tác phẩm dịch thuật văn học Nhật Bản. Các bài viết cho độc giả đại chúng của cô đã xuất hiện trên tờ The Conversation. Cô đã nhận các giải thưởng Giảng viên Hỗ trợ Xuất sắc Đại học Oregon năm 2016, Giải NACADA về Giảng viên Hỗ trợ Xuất sắc năm 2017, và Giải Giảng dạy từ xa 2020. Cô Alisa cũng thích trình bày tại các sự kiện văn hóa như hội nghị anime, TED và Festival Nhật Bản.

– TS. Đào Lê Na: là học giả thỉnh giảng của chương trình Fulbright Visiting Scholar năm học 2021-2022 tại Đại học Massachusetts Amherst, Hoa Kỳ. Cô đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Cô là người sáng lập Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh của trường, sáng lập và điều hành FY Film Fest, một liên hoan phim ngắn dành cho các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam, sáng lập và điều hành YUME Art, dự án nghệ thuật dành cho cộng đồng.

Cô đã tham gia nhiều hội thảo quốc tế lớn trong nhiều năm như AAS, ICAS và các chương trình trao đổi tại Nhật Bản do Japan Foundation tài trợ. Cô đã xuất bản một số cuốn sách nghiên cứu và có rất nhiều bài viết đăng trên các tạp chí học thuật khác nhau. Cô cũng là nhà văn và đạo diễn sân khấu truyền thống với các tác phẩm về phụ nữ Việt Nam như tiểu thuyết Tự sự của hạt mưa (2019), cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” (2022).

TS La Mai Thi Gia: là giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Cô là nhà nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian với kinh nghiệm hơn 20 năm điền dã sưu tầm văn học dân gian trên khắp các tỉnh thành Nam Bộ, chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về văn hóa dân gian Nam Bộ với những đầu sách như “Chuyên khảo Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian – lý thuyết và ứng dụng” (2015); “Chuyên khảo nghiên cứu Ca dao dân ca Nam Bộ cuối thế kỷ19 – đầu thế kỷ 20” (2023); “Giáo trình văn hóa dân gian Việt Nam cho sinh viên nước ngoài” (2022), hay chủ biên các bộ sách sưu tầm văn hóa dân gian như “Văn học dân gian Tiền Giang” (2019), “Văn học dân gian Vĩnh Long” (2020), “Văn học dân gian Bến Tre” (2021), “Văn học dân gian Trà Vinh” (2022)…

Cô còn là một người làm thơ với những tác phẩm đăng trên báo chí từ khi còn học cấp 2, cấp 3 và in chung trong nhiều tuyển tập thơ văn, trong đó đáng chú ý là 2 tập thơ riêng “Thơ Trắng” (2017) và “Gia ơi, đời xanh đấy” (2018).

– TS. Nguyễn Thị Minh: là giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TP.HCM. Cô đồng thời là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Oregon (2018) và học giả nghiên cứu Fulbright tại Bộ môn Nghiên cứu Văn hóa Người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Los Angeles (2022-2023). Hướng nghiên cứu chính của cô là văn học so sánh, cải biên điện ảnh từ nghiên cứu giới và ký hiệu học. Cô là người tiên phong trong các chương trình thúc đẩy nghiên cứu giới tại Việt Nam và đã hợp tác xây dựng Tủ sách: Giới và Phát triển của NXB Phụ nữ Việt Nam. Đây là tủ sách đề cập đến các vấn đề về lịch sử và bất bình đẳng giới, thúc đẩy một nghị trình quyền nữ giữa các biến động trong xã hội Việt Nam đương phát triển. Cô là dịch giả, đồng dịch giả, chủ biên của nhiều tác phẩm triết học, nghiên cứu giới và nghiên cứu văn hóa. Các sách cô đã dịch bao gồm: “Giữa quá khứ và tương lai” của Hannah Arendt (NXB Tri thức, 2020); “Lịch sử Triết học – Tập 2” của Johannes Hirschberger (đồng dịch giả, NXB Tri thức, 2020), “Yêu sách của Antigone” của Judith Butler (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021), “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022), “Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới” của Jane Pilcher and Imelda Whelehan (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022). Cô đồng thời là người chú giải và hiệu đính “Rắc rối giới” của Judith Butler (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022). Cô đạt Giải Sách hay năm 2022 cho cuốn “Giữa quá khứ và tương lai” của Hannah Arendt. Về các phụng sự cộng đồng, cô là đồng sáng lập The Ladder – Không gian học thuật cộng đồng, nơi tri thức hàn lâm được chia sẻ và mở rộng đến mọi người, nhất là người trẻ tại Việt Nam.

Về chuỗi sự kiện “Người trẻ và Giới: Chuỗi sự kiện booktour “Người trẻ và giới” do NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các đơn vị trường ĐH và THPT trên cả nước và các tổ chức xã hội…, bao gồm nhiều hoạt động đa dạng, như bài giảng công cộng, bàn tròn thảo luận và không gian tương tác giữa các bạn học sinh, sinh viên với chuyên gia về các vấn đề giới và nữ quyền đang được quan tâm hiện nay. Các bạn sẽ được nói lên các trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội để tất cả cùng nhau tìm ra câu trả lời. Ngoài ra, chuỗi chương trình mong muốn góp phần thúc đẩy sự trao đổi và thực hành về bình đẳng giới, ủng hộ văn hóa đọc trong người trẻ cũng như độc giả trên toàn quốc.

Tam An
Author: Tam An

CLB Phụ nữ hiện đại