Ứng dụng CNTT trong dạy – học ngoại ngữ: Tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên
Người thầy luôn là nhân tố quan trọng nhất cho sự thành công hay thất bại của quá trình dạy – học. Vì thế, giáo án soạn kỹ, quản lý lớp học tốt luôn là yêu cầu trước nhất trong việc khai thác các tính năng giáo dục của CNTT trong đào tạo ngoại ngữ.
PGS.TS Nguyễn Văn Long – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng.
Báo GD&TĐ xin giới thiệu nội dung trao đổi về ứng dụng CNTT trong dạy -học ngoại ngữ với PGS.TS Nguyễn Văn Long – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng.
* Xin ông cho biết hiệu quả của hội thảo trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trao đổi ý tưởng mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh?
– Hội thảo quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ GLoCALL 2019 với chủ đề: “Toàn cầu hoá và địa phương hoá trong dạy và học ngoại ngữ với sự hỗ trợ của máy tính” (Globalization and Localization in Computer-Assisted Language Learning) được tổ chức bởi Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng, Hiệp hội Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (PacCALL) và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia đã diễn ra tại Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả và dễ dàng hơn. Các chuyên gia cho rằng, ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ đang là xu thế trên toàn cầu. Có rất nhiều cách để khai thác CNTT phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ. Việc hướng dẫn cho người học ngoại ngữ biết cách sử dụng tối đa tính năng của CNTT hoặc qua các giáo trình điện tử sẽ phát huy được tính tự học của người học, tiết kiệm thời gian học và có thể sớm tự tin sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong cuộc sống hằng ngày.
Nhiều đề tài mới được đưa ra thảo luận tại hội thảo như: Hỗ trợ kỹ năng viết cho sinh viên với công nghệ nhận dạng giọng nói của máy tính; Kỹ thuật theo dõi chuyển động mắt của người học nhằm nâng cao chất lượng đọc tài liệu bằng tiếng Anh; Ứng dụng các công cụ Web 2.0, Web 3.0, Google Applications, Moodle, Gnomio, YouTube, Social Networkings… tăng cường năng lực ngôn ngữ của sinh viên; Giới thiệu một số phương pháp dạy học do Tổ chức Ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ (CALL) nghiên cứu…
*Ông đánh giá thế nào về mức độ ứng dụng CNTT trong dạy – học ngoại ngữ hiện nay?
– Các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học đã tận dụng mạng Internet và Web để cung cấp các khóa học trực tuyến và giúp truy cập hệ thống thông tin giáo dục, là những nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc học trực tuyến.
Thêm nữa, ngành Giáo dục đã có những chuyển biến trong việc thành lập các trường đại học mới tập trung vào giáo dục trực tuyến. Hình thức đào tạo này sử dụng hệ thống thông tin giáo dục và mạng Internet như những công cụ cơ bản phục vụ cho quá trình đào tạo. Ngày càng nhiều cơ sở giáo dục cung cấp các khóa học trực tuyến vì người học có thể dễ dàng tiếp cận thông qua mạng Internet và những hình thức công nghệ kĩ thuật số khác.
* Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng CNTT nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, bảo đảm chất lượng giáo dục, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để các cơ sở giáo dục ĐH có thể triển khai ứng dụng các tính năng sư phạm của CNTT trong dạy và học ngoại ngữ?
Chúng tôi đang triển khai và hoàn thiện các phần mềm khảo thí phục vụ các loại hình thi trực tuyến. Điển hình là phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia tổ chức thi trên máy tính và cấp chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc (Vstep), triển khai các phần mềm thi xếp lớp đầu vào, thi kết thúc học phần, thi cuối khóa…
Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng đang phấn đấu 80% các học phần giảng dạy trong các chương trình đào tạo đều được triển khai giảng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến trên Hệ thống đào tạo E-learning của nhà trường. Nhà trường đã đầu tư Hệ thống trực tuyến bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và một trường quay ảo (Studio) để xây dựng bài giảng điện tử. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh việc đưa các hệ thống này vào ứng dụng trong thực tế bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên và sinh viên.
Chúng tôi cũng chủ trương lựa chọn giáo trình có kết hợp phần mềm hỗ trợ trực tuyến như giáo trình LIFE để phát huy hết khả năng tự học qua ứng dụng CNTT của SV; chuẩn hóa giáo án điện tử, xây dựng nguồn tài liệu chung cho tất cả các giảng viên tham gia giảng dạy tiếng Anh ở các trường thành viên… Giảng viên cũng phải tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy như sử dụng mã nguồn học liệu mở Moodle để mở các khóa học online, sử dụng phần mềm học ngoại ngữ tiên tiến như Dyned để hỗ trợ SV học và luyện tập thêm ở nhà. Để khuyến khích việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, Trường ĐH Ngoại ngữ thực hiện tính hệ số cho giảng viên tham gia sử dụng CNTT trong dạy học.
Việc ứng dụng CNTT trong dạy – học ngoại ngữ chỉ có thể thực hiện một cách hiệu quả một khi có sự thống nhất mang tính hệ thống từ trên xuống dưới; nếu chỉ xuất phát từ một vài giảng viên, một khoa… sẽ không đồng bộ. Thiết nghĩ, ngoài những quy định ràng buộc, các cơ sở giáo dục cũng nên có chế độ khuyến khích, chí ít là sự động viên về tinh thần cho những tập thể và cá nhân ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào dạy – học ngoại ngữ.
*Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguồn: Giáo Dục Thời Đại