Truyền thông theo phong cách Win – Win: Cẩm nang cho người mới vào nghề truyền thông
Truyền thông theo phong cách Win – Win của Phạm Sông Thu được đúc kết trong hơn 20 năm vừa làm báo vừa làm truyền thông. Cuốn sách là những câu chuyện về cái được – mất của doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ thông tin. Tác giả đề cập những vấn đề của truyền thông, bao gồm cả những “chiêu, trò” mà không cuốn sách nào viết, cũng chẳng trường nào đào tạo cho bạn.
Một điều dễ nhận thấy là thương hiệu được xây dựng từ danh tiếng nhưng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng khi tai tiếng. Những câu chuyện về khủng hoảng truyền thông mà tác giả tổng kết, phân tích không phải là sự việc đó đúng hay sai, vấn đề ở chỗ doanh nghiệp được – mất những gì. Đây là điều không mới nhưng trong trường học chính thống chưa bao giờ thừa nhận.
Trong cuốn sách, tác giả đã phân tích khá kỹ nguyên nhân và đưa ra giải pháp về cách xử lý trước, trong, sau khủng hoảng bằng sự đúc kết từ các sự việc không chỉ ở Việt Nam mà các thương hiệu lớn trên toàn thế giới. Sai lầm hay thành công của họ cũng là bài học sâu sắc mà từ đó doanh nghiệp rút ra được kinh nghiệm cho mình.
Cuốn sách giành nhiều trang để viết về cách theo dõi – định hướng – xử lý nhiều sự kiện ở các góc độ khác nhau trên cơ sở phân tích các sự vụ ở từng thời điểm nhất định. Không có công thức chung cho tất cả nhưng người làm truyền thông có thể lựa chọn để giảm thiểu thiệt hại tối đa từ việc kiểm soát tin đồn, kỹ thuật xử lý tin đồn đến kinh nghiệm xử lý giúp người làm truyền thông sẽ “bình tĩnh” lựa chọn phương án tối ưu.
Cuốn sách cũng đề cập đến vấn đề “quản trị danh tiếng và hình ảnh lãnh đạo” để góp phần tạo dựng một thương hiệu bám rễ trong lòng người tiêu dùng.
Cuốn sách là cái nhìn đa chiều, giúp người làm truyền thông nhìn nhận và đưa ra phương án xử lý kịp thời đối với từng sự việc nhất định. Nếu chịu khó chắt lọc những “hạt nhân” trong cuốn sách đôi khi bạn có thể “biến đám cháy thành pháo hoa”.
Cuốn sách không chỉ đơn thuần là liệt kê những sự cố truyền thông mà ở chỉ cho người đọc cách một PR chuyên nghiệp cần phải làm gì. Ngay những việc đơn giản nhất như viết một bài PR cũng cần viết như thế nào. Tác giả khuyên “hãy viết như viết một bài báo, bài PR không phải bản kê khai thành tích, đừng quá tham nội dung, đừng áp đặt chủ quan, nhờ phóng viên chuyên ngành tư vấn”.
Ngoài các tờ báo thì mạng xã hội hiện nay được đánh giá có độ tương tác cao với người dùng. Nguy hại nhất là thông tin chưa được kiểm chứng khá nhiều, ông cha ta cũng từng nói “chờ được vạ thì má đã xưng”. Với mạng xã hội tác giả hướng dẫn người làm truyền thông kinh nghiệm xử lý khá “cao tay”, bao gồm: Lên kế hoạch ứng phó, lắng nghe thông tin, nắm rõ khủng hoảng, phản ứng nhanh, tập trung xử lý từ công cụ sẵn có, tạo cơ sở dữ liệu chung, làm nguội khủng hoảng mạng xã hội. Tác giả khuyên người làm truyền thông trên quan điểm “im lặng là chết, là người khác sẽ nói thay mình mà thông tin có thể đúng, có thể sai”. Một số “chiêu” được chỉ ra như: Đánh lạc hướng, mượn lời, hy sinh tốt thí, biến mình thành nạn nhân, nói khi đông – lặng khi vắng, nguyên tắc xin lỗi, không đẩy tướng ra trận…được tác giả viết và dẫn chứng sinh động.
Còn nhiều điều trong cuốn sách mà từng trang, từng chữ được tác giả chắt chiu suốt trong những năm tháng “lăn lộn” với nghề. Mong muốn lớn nhất của tác giả là truyền kinh nghiệm cho thế hệ đi sau bởi truyền thông là nghề “hại não”, lúc nào cũng áp lực trùng trùng.
Trung Kiên