Trước khi quyết định “nhảy” việc, có 3 điều cần cân nhắc
Khi ai đó xung quanh bạn chia sẻ về dự định “nhảy” việc, bạn có hỏi họ “đã suy nghĩ kỹ càng hay chưa”?
Hai chữ “nhảy việc” nghe qua thật sự nhẹ nhàng nhưng những hệ lụy sau đó bản thân người trong cuộc cho đến khi thật sự nếm trải mới có thể hiểu thấu. Hối hận là điều không ai muốn thừa nhận nhưng khi chuyện đã rồi, thay đổi lại là điều không thể. Để bản thân tránh xa cảm xúc tiêu cực đó, hãy cân nhắc thật kỹ 3 điều dưới đây trước khi quyết định “nhảy” việc và tìm việc Hà Nội mới nhất hay bất cứ nơi nào khác.
Những điều bạn chưa biết về môi trường mới
Bạn có thể không hài lòng với công việc và môi trường làm việc hiện tại vì một số điều bất cập mà bạn nhận thấy và gặp phải trong quá trình làm việc như: chế độ phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp, đồng nghiệp, người lãnh đạo,… Nhưng ở công ty mới, những điều bạn biết thực chất chỉ là những điều bạn đang kỳ vọng. Bạn không hề biết những điểm không tốt ở môi trường mới là gì. Bạn chỉ tiếp xúc với nhà tuyển dụng – những ông chủ, những người đồng nghiệp tương lai của bạn mấy chục phút ngắn ngủi trong một cuộc trao đổi mang tên phỏng vấn. Tất cả những viễn cảnh tốt đẹp ở công ty mới đều do nhà tuyển dụng cung cấp cho bạn, khiến bạn tin vào điều đó. Và hẳn nhiên, người ta chẳng thể nào chia sẻ với bạn những điều còn thiếu sót ở công ty của mình.
Chắc chắn rằng không có công ty nào hoàn hảo, chỉ là những điều chưa hoàn hảo ở đó có vượt quá giới hạn chịu đựng của bạn hay không mà thôi. Vậy nên, đừng vội khẳng định hay tin tưởng rằng công ty mới sẽ tốt hơn công ty hiện tại để rồi từ bỏ những điều mình có thể chấp nhận được để bước vào một môi trường chông chênh hơn. Hãy cân nhắc thật kỹ và chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra vì rất có thể đôi bên chẳng khác nhau là mấy.
Rủi ro về mặt tài chính
Trong quá trình đi làm, việc tích lũy một khoản bảo đảm tài chính là chìa khóa giúp bạn đối diện với những khoảng thời gian khó khăn trong sự nghiệp mà không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc. Khoản tài chính tích lũy này sẽ giúp bạn sống tốt trong một thời gian thất nghiệp nhất định, thường là 3 đến 6 tháng. Thế nhưng, khoản tiền này không phải ai cũng có, kể cả những người đã đi làm lâu năm.
Nếu bạn không có khoản tài chính dự phòng nào, đó sẽ trở thành rủi ro của bạn khi quyết định “nhảy” việc.
Thứ nhất, không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ tìm được công việc mới ngay sau khi nghỉ việc ở công ty cũ. Hãy tự hỏi bản thân rằng khoảng thời gian thất nghiệp đầy mơ hồ đó mình sẽ cân bằng cuộc sống bằng cách nào? Dựa vào gia đình? Nhưng nếu không có gia đình bên cạnh thì bạn sẽ ra sao?
Thứ hai, dù đã tìm được công việc mới, bạn cũng phải trải qua quá trình thử việc, nhận lương thử việc và đánh giá thử việc trước khi được ký hợp đồng chính thức. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ từ đầu. Chưa kể, trong quá trình thử việc bạn sẽ không được tham gia BHYT. Nếu chẳng may gặp phải những sự cố liên quan đến vấn đề sức khỏe, đó sẽ trở thành một gánh nặng đối với tài chính của bạn. Và để giải quyết vấn đề này, bạn bắt buộc phải có một khoản tiền dự phòng cho những tình huống phát sinh không mong muốn trong cuộc sống.
Hãy tìm việc trước khi nghỉ việc
50% lý do khiến chúng ta quyết định “nhảy” việc đến từ quá trình suy nghĩ nghiêm túc và chính chắn, 50% còn lại đến từ những quyết định bốc đồng trong một giây phút sự bất mãn hay nóng giận trong lòng dâng đến đỉnh điểm. Nếu thuộc trường hợp thứ 2, bạn đang đi ngược lại nguyên tắc “tìm việc trước khi nghỉ việc” và hậu quả là bạn luôn phải ở trong thế bị động trong quá trình tìm việc, phỏng vấn và deal lương.
Khi bạn tham gia phỏng vấn trong tâm thế đang có việc làm, bạn sẽ ở thế chủ động vì công việc mới đối với bạn không phải điều quá cấp thiết. Dù không được nhận hoặc không deal được mức lương mong muốn, bạn vẫn có nơi để quay về và có khả năng tự do tài chính. Nhưng nếu bạn đang trong tình trạng thất nghiệp, áp lực tiền bạc, dư luận, cuộc sống có thể khiến bạn gật đầu đồng ý với những điều khoản không thực sự có lợi cho bản thân. Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng có thể dựa vào điểm yếu đó để từ chối những yêu cầu của bạn.
“Nhảy” việc không nên là quyết định được đưa ra trong lúc nóng giận. Hãy giải quyết mọi vấn đề của bản thân theo cách của một người trưởng thành: suy nghĩ thiệt hơn – cân nhắc kỹ càng – chuẩn bị cho mọi tình huống – đưa ra quyết định vẹn toàn nhất.