Trò chuyện cùng Ts. Bs Lương Lễ Hoàng: Người gieo mạ trong gió

Trò chuyện cùng Ts. Bs Lương Lễ Hoàng: Người gieo mạ trong gió

LTS: Ít ai ngờ là một bác sĩ “Việt kiều” sau hơn 30 năm sinh sống ở CHLB Đức, đã trở về Việt Nam từ hơn 10 năm nay, không chỉ để ngày đêm tất bật với cả chục ngàn bệnh nhân ngoại trú “thân thiết dài hạn” ở Khoa Điều Trị Kết Hợp Đông Tây Y thuộc Trung Tâm Oxy Cao Áp Tp. HCM, mà còn để “bù đầu” với nhiều hoạt động truyền thông đa dạng. Tạp chí Sức Khỏe (SK) trong số báo tháng này hân hạnh hàn huyên với Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (LLH) về động cơ và hoài bão của một thầy thuốc đã từ lâu quá quen thuộc với độc giả, thính giả, khán giả trong và ngoài nước qua văn phong “y khoa vui vẻ, ai nghe, ai xem, ai đọc cũng … khỏe!”.

 

Động cơ nào đã thúc đẩy bác sĩ trở về quê nhà và dấn thân vào hoạt động truyền thông hơn cả giới showbiz chuyên nghiệp, thưa BS?

LLH: Sau hơn 30 năm “tạm trú” theo diện gọi là “đoàn tụ gia đình” và làm việc ở xứ người, trong lần đầu tiên trở về quê nhà, tôi vướng ngay lời “rủ rê đường mật” của Sài Gòn Tourist nên đã nhận tham gia “cải cách” khu du lịch suối khoáng nóng Bình Châu. Với kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã góp nhặt trong gần 3 thập niên ở CHLB Đức, xứ sở nổi tiếng với các trung tâm điều trị phục hồi bằng ngâm tắm (balneology) + vật lý trị liệu + y khoa sinh học, Bình Châu đã được xếp hàng thứ 17 trong 64 resorts quý hiếm trên toàn cầu. Trong buổi ăn mừng, tôi được mời diễn thuyết về hiệu năng tuyệt vời của bùn khoáng. Tôi vẫn còn nhớ, chiều hôm đó mưa tầm tã khiến ban tổ chức méo mặt vì tưởng mất trắng công sức, nhưng hàng trăm người từ Sài Gòn vẫn lặn lội đến nghe. Đáng nói hơn nữa, họ say mê theo dõi và đặt nhiều câu hỏi kéo dài cho dù bên ngoài mặt trời đã lặn từ lâu. Hình ảnh đó khiến tôi nhận ra một thực trạng là người dân xứ mình tuy không còn nỗi lo đói khổ thời chiến tranh nhưng rõ ràng rất thèm ăn một món. Đó là kiến thức y học thường thức với những biện pháp dễ hiểu, dễ làm để họ nhờ đó thưởng thức cuộc sống đúng nghĩa hơn vì ít phải đối diện với gương mặt không hẳn lúc nào cũng dễ thương – gương mặt của thầy thuốc! Nhận thức đó đã “ám ảnh” tôi trên đường trở về Đức cho đến khi tôi quyết định trở lại nơi tôi đã chào đời, trở lại Sài Gòn, để bắt đầu một công việc hoàn toàn mới, tạm gọi là truyền thông!

Nhiều “fan” của bác sĩ đã thắc mắc vì sao bác sĩ xa nhà lâu đến thế mà có thể giao lưu, viết văn, thậm chí diễn thuyết lưu loát đến độ đã có lần đài VTV1 “phê bình” sách của bác sĩ với câu “đọc sách của bác sĩ quả thật không biết là ấn phẩm y học hay tác phẩm văn học nghệ thuật?”

LLH: Trước khi sang Đức, tôi đã từng giảng dạy ở Đại học Y Sài Gòn. Khi ở nước ngoài, vì trong ngày phải đồng thời làm việc ở nhiều trung tâm điều trị phục hồi, nên tôi thường di chuyển bằng xe lửa tốc hành. Trong lúc ngồi bó chân chờ xe cập bến, để đỡ nhớ nhà, tôi thường lẩm bẩm “như khùng” bài giảng với đề tài do tôi tự biên, cứ như tôi còn là giảng viên. Cũng từ nỗi “đau lòng con quốc quốc”, tôi chiều nào trên đường về nhà cũng tự thuyết trình cho chỉ mình nghe một đề tài nào đó, khi thì kết hợp y học hiện đại với y khoa sinh học, lúc thì Tây Y với Đông Y cho thính giả tưởng tượng là người nghe ở xứ mình đang quan tâm những vấn đề thực tế ít khi tìm thấy trong sách vở ngành y. Cứ như thế, ngày qua ngày, ngày nào tôi cũng bước lên “bục giảng” trong cả mấy mươi năm. Trăm hay không bằng tay quen, có lẽ vì thế mà tôi đã không quên điều mà người Việt nào cũng phải nhớ: tiếng mẹ đẻ, tiếng mẹ ru từ thuở nằm nôi, khóc cười theo vận nước nổi trôi.

Lý do nào đã là đòn bẩy để bác sĩ cho ra đời ấn phẩm đầu tay “Dinh dưỡng để phòng bệnh” cách đây 19 năm? Cho đến nay bác sĩ đã có bao nhiêu đầu sách và với số lượng ấn hành trung bình là bao nhiêu?

LLH: Trong suốt mấy chục năm tất bật với bệnh nặng, bệnh mãn tính, tôi quả thật không mấy khi nghĩ là có lúc sẽ ngồi vào bàn viết lách, nói chi có thời giờ để suy nghĩ về vai trò phòng chữa bệnh của dinh dưỡng. Sau lần nói chuyện ở Bình Châu, trước số câu hỏi dồn dập về món ăn sinh bệnh, về món ăn chữa bệnh, tôi chợt thấm thía với lời nhắn nhủ của y sư Hippocrates: “Hãy dùng thực phẩm như dùng thuốc”, rồi đi xa hơn nữa, “Có thực mới vực được đạo”! Trở về Đức, sau khi xem chương trình phỏng vấn Bankhofer, một nhà báo được đại học Vienne phong tặng tước vị giáo sư y khoa dù không học thuốc ngày nào, nhưng miệt mài với trang sách thay vì toa thuốc, tôi đã nảy ra ý định hoàn tất một ấn phẩm với văn phong nhẹ nhàng, thay vì với kiểu thông thường tuy nghe qua cũng là tiếng Việt, nhưng khó hiểu hơn tiếng ngoại quốc, vì ngành y vừa thích tô màu xám thê lương, vừa ưa trình bày phức tạp, khiến người đọc chẳng khác nào lọt vào mê cung phim giả tưởng. May cho tôi là nhờ nỗ lực của nhà xuất bản Trẻ, ấn phẩm đầu tiên của một bác sĩ Việt kiều đã được cho phép ấn hành. May hơn nữa là ấn phẩm này, với văn phong thiên về phía bệnh nhân, đã được độc giả mọi giới trong nước hoan hỷ đón nhận để từ đó là đòn bẩy của 34 ấn phẩm khác cho đến nay với số lượng phát hành trung bình mỗi cuốn 50.000 đến 70.000 bản sau nhiều lần tái bản. Sách của tôi sở dĩ được ưa chuộng cũng có thể vì sách, như đang áp dụng trong phòng khám của tôi, được tặng không, vì theo tôi, nếu muốn bán liệu mấy ai thèm mua?!

Xin bác sĩ cho biết cơ may nào khiến bác sĩ góp mặt với giới truyền thông nước nhà qua hàng loạt bài báo trên nhiều nhật báo, đặc san, tạp chí và hiện nay đặc biệt với 2 chuyên đề “đứng trang” trên Sức Khỏe?

LLH: Sau màn “thử lửa’ qua mục “Sức khỏe doanh nhân” và “Y học tạp lục” trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tạp chí chẳng liên quan gì với ngành y, phản ứng ngọt hơn nước đường của độc giả đã đẩy tôi vào con đường một chiều dễ thương. Đó là viết báo, nói đúng hơn, viết phiếm luận liên quan đến sức khỏe trên nhiều nhật báo, tạp chí… với văn phong vào thời đó còn rất hiếm thấy, vì bài viết của tôi, bên cạnh tin tức tóm lược về bệnh, về thuốc, bao giờ cũng có tựa đề bóng bẩy khó hiểu, cũng chứa nội dung một câu nhiều nghĩa và nhất là phần kết luận cách mấy cũng “giăng câu móc họng” khiến độc giả mọi giới dường như lần đầu tiên được “giải trí” với bài báo y học không còn khô khan, bí hiểm, bi quan… Bản tin y học theo kiểu phá cách của tôi với phần bênh vực bệnh nhân, vừa thêm châm biếm tệ nạn ngành y cho dù mích lòng đồng nghiệp và nhất là phảng phát đâu đó nụ cười hả hê trong cuộc đời đằng nào cũng bạc trắng hơn vôi, trong cuộc sống sớm muộn cũng “không bệnh không về” dường như không đến độ “nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Đời đằng nào cũng là bể khổ, than khóc thêm nào có ích gì? Từ đó, văn phong y khoa “ai nghe cũng hiểu, ai hiểu cũng bớt lo” đã giúp tôi soạn thảo trong 10 năm qua hơn 3.300 bài báo và đang tiếp tục cầm hơi với hai bài mỗi tháng trên đặc san Sức Khỏe, tạp chí tháng nào cũng cho tôi niềm vui tạm bợ với hai chuyên đề “Tháng này chuyện chi” và “Phỏng vấn dùm Bạn” để tôi vẫn còn cảm tưởng an ủi là tôi vẫn chưa hết … thời!

Khán giả đã từ lâu quen thuộc với talkshow của bác sĩ trên màn ảnh nhỏ qua nhiều chương trình kéo dài đến độ nhiều bà con ở các tỉnh đồng bắng sông Cửu Long đã “định danh chân phương” là chương trình … bác sĩ Hoàng! Cơ duyên nào đã đưa đẩy bác sĩ cho đến nay đã diễn trước ống kính máy thu hình cả mấy trăm lần và chắc chắn sẽ còn là phim truyện nhiều tập?

LLH: Sau nhiều lần diễn thuyết thành công trong các buổi hội thảo với chiến thuật truyền thông ngắn gọn để đỡ chán tai người nghe, với phong cách ít nhiều “lạc đề hóm hỉnh” để thêm ít nụ cười hả hê cho thính giả là bệnh nhân đang rầu, đang đau, đang khổ, đang lo vì bệnh, với đề tài được chọn lọc theo sát nhu cầu muốn biết gấp của người xem, tôi đã được một số đài truyền hình mời làm diễn giả trong nhiều chương trình tọa đàm, như Thầy thuốc của nông dân (TV Long An), Sống Khỏe Mỗi Ngày (TV Vĩnh Long)… Trong số đó, chương trình tạo điểm nhấn nổi bật nhất chính là Chào Ngày Mới trên HTV7, vì qua đó, qua gần trăm chương trình chỉ với thời lượng vài phút buổi sáng sớm, tôi đã rút tỉa được kinh nghiệm là để người xem khoái chí “à há” vì được “gãi đúng chỗ ngứa” không nhất thiết phải kể lể dông dài, không nhất thiết phải chọn đề tài phức tạp. Quan trọng cho hiệu năng truyền thông đại chúng chính là làm sao đế khán thính giả không chỉ thông hiều mà sau mỗi chương trình còn có gì “lận lưng về xe” nhằm áp dụng trong đời thường và qua đó thậm chí tiếp tục truyền miệng cho người lân cận. Cho đến nay, điều làm tôi hài lòng không chỉ vì con số mấy trăm chương trình truyền hình đang được xem đi xem lại trên mạng mà vì nhiều diễn giả trẻ của ngành y, nhiều biên tập viên năng nổ mới vào nghề… đang vận dụng hình thức truyền thông “ai nghe cũng hiểu” theo kiểu của tôi, thay vì văn phong “ai hiểu chết liền” của các diễn văn khai mạc hành hạ người nghe vẫn còn phổ biến ở xứ mình.

Trong các chương trình truyền thông của bác sĩ bao giờ cũng phảng phất quan điểm cổ động cho “y khoa toàn diện”. Vì sao bác sĩ tâm đắc với nhận thức này, thay vì, như nhiều đồng nghiệp khác, thường chú trọng vào chuyên khoa?

LLH: Thời điểm thầy thuốc và người bệnh nước ta phải bù đầu với bệnh bội nhiễm cấp tính đã lướt qua. Tưởng nhẹ gánh thì lầm! Trong bối cảnh vui buồn lẫn lộn vì thuốc tốt chào hàng bên cạnh môi trường ô nhiễm trầm trọng, ngành y phải trực diện với một thực trạng phức tạp hơn nhiều, với bệnh nghề nghiệp, bệnh tâm thể, bệnh mãn tính, bệnh ác tính đang “thập diện mai phục”. Thầy thuốc hiện nay không thể chỉ tập trung vào biện pháp cấp cứu nếu bệnh nhân may mắn lọt kịp vào phòng hồi sinh. Bệnh nhân không thể phó mặc cho may rủi trong khi bệnh nguyên chực chờ từ môi trường sống cứ như ngay trong bãi rác, từ phế phẩm tích lũy liên tục do rối loạn biến dưỡng qua nếp sinh hoạt trái ngược với thiên nhiên. Như lời cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, y học ở thiên niên kỷ này không thể khu trú vào mục tiêu cấp cứu vì giải pháp rốt ráo nằm ngoài bệnh viện, nằm xa tầm tay của thầy thuốc. Lối thoát qua ngõ thiên nhiên do đó phải càng gần tầm tay càng tốt cho người chưa bệnh và không muốn bệnh quá sớm. Đó chính là động cơ vì sao y học phòng ngừa + y khoa sinh học + y học cổ truyền, tất nhiên sau khi đã được nghiên cứu và xác minh tác dụng, cần được chú trọng, thay vì đợi bệnh mới chữa, thay vì chỉ trông mong vào viên thuốc hóa chất để chữa cháy cầm canh khi bùng ngọn lửa để chờ ngày cháy sạch! Khi mới nhập cuộc không hẳn lúc nào quan điểm của tôi, góc nhìn của tôi cũng được hoan nghênh trên truyền thông nước nhà. Nhưng điều may mắn là đến hôm nay tôi đã có nhiều fan trong giới trẻ ngành y và quan trọng vô cùng, trong giới bệnh nhân hài lòng sau khi áp dụng các mánh “mách có chứng” của tôi, như lời cảm ơn, như niềm an ủi dành cho người đã liều mạng gieo mạ trong cơn giông bão!

Tuy đã nhiều năm lăn lộn ở nước người với y khoa cấp cứu, y học phục hồi, bệnh nội khoa mãn tính… trước khi trở về quê nhà, bác sĩ hiện nay đang được bệnh nhân rất trân trọng phác họa với hình ảnh của chuyên gia kết hợp Đông Tây Y. Vì sao bác sĩ đặt nhiều tâm huyết vào nền y học cổ truyền phương Đông trong khi y học hiện đại đang tự hào ở đỉnh cao với tiến bộ kỹ thuật thời vi tính lên ngôi?

LLH: Không ai có thể phủ nhận giá trị của y học cổ truyền phương Đông vì khi độc giả đọc chưa xong dòng này đã và đang có hàng triệu người trên khắp năm châu được điều trị hiệu quả với Đông Y. Nhưng nói thế không có nghĩa là sao y bản chánh “ông sao tui vậy”, không có nghĩa là phải tiếp tục diễn đạt bằng ngôn ngữ tượng hình bóng bẩy theo kiểu “can hỏa vượng nên tâm thận bất giao” để thầy thuốc Tây Y khó tiếp cận vì “quái dị” thế nào, để bệnh nhân mặc tình bị thao túng, thậm chí cho dã tâm thương mại, vì “thầy nói chỉ thầy hiểu”. Tôi vì thế trên các phương tiện truyền thông đã cổ động không ngừng cho việc kết hợp Đông Y trên tinh thần “đãi cát lọc vàng” nhằm mục tiêu:

  • Hiện đại hóa kinh nghiệm của y học dân gian qua ngôn ngữ của khoa học thực nghiệm để ai nghe cũng hiểu.
  • Phôi kiểm và xác minh tác dụng qua dữ liệu nghiên cứu khách quan của y học thực nghiệm vì trong y học không có chỗ đứng cho niềm tin phiến diện.
  • Vận dụng dược liệu thiên nhiên nhưng với phương tiên hiện đại thời kỹ thuật số, từ nuôi trồng sinh thái cho đến áp dụng công nghệ dược phẩm tiên tiến để có thể phổ biến đại trà và nhất là một cách an toàn tối đa.

Một trong các dấu ấn truyền thông mang thương hiệu độc đáo của bác sĩ chính là chương trình phát thanh hàng tuần của VOH được nối sóng trên toàn quốc mang tên “Y khoa vui vẻ với Bác sĩ Lương Lễ Hoàng”, một chương trình y học thường thức chiếm kỷ lục xưa nay chưa hề có trên làn sóng radio toàn quốc vì tuổi đời gần 12 năm liên tục mỗi tuần bất kể lễ tết, với bác sĩ là diễn giả duy nhất và cũng là người đơn phương soạn kịch bản cho đến nay và vẫn còn tiếp tục dài dài. Xin bác sĩ cho biết vì sao bác sĩ hài lòng với mô hình này?

LLH: Sau những thành quả trên báo giấy, trên truyền hình, thành thật mà nói tôi không mấy “hăng máu” khi nhận lời hợp tác với đài phát thanh VOH, vì ở thời điểm đó, tôi cho là mấy ai bỏ giờ nghe radio khi truyền hình lấn lướt, khi mạng xã hội, máy tính bảng, điện thoại thông minh càng lúc càng thắng thế trên chiến trường truyền thông! Điều bất ngờ là số người nghe đài, càng lúc càng đông đến mức “Y khoa vui vẻ” nay đã được nối sóng đến tận miền Trung, miền Bắc và phủ sóng trên tất cả tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, đến độ nhiều cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã chọn giờ trà bánh để cùng nhau thưởng thức nóng hổi chương trình phát thanh cách mấy cũng kéo theo nụ cười hả hê, thay vì nỗi lo về bệnh tật. Con số hơn gần 600 kịch bản trong gần 12 năm liền là dẫn chứng cho thấy tôi đã hứng thú thế nào với MC, với ê-kíp kỹ thuật để thói quen bật đài của nhiều thính giả mỗi chiều thứ năm vào lúc 17g15 đã từ lâu chẳng khác nào một phản xạ có điều kiện. Cũng từ kinh nghiệm với chương trình này mà tất cả các chương trình khác, từ giao lưu trực tuyến cho đến tọa đàm truyền hình, tôi chỉ nhận lời tham gia khi tôi soạn kịch bản để “có nói có chịu”, thay vì chỉ há miệng ăn theo.

Được biết bác sĩ đã từ lâu khởi động mô hình miễn phí khám bệnh, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp. Vì sao bác sĩ chọn hình thức này để vốn đã tất bật nay lại thêm cực thân với số bệnh nhân quá tải?

LLH: Trí thức nếu không biết nhận lỗi khi làm sai, nếu không biết cảm ơn khi được ưu ái còn gì là ý nghĩa của học thức. Thầy thuốc đã giúp tôi trau dồi tay nghề trong hơn 4 thập niên qua còn ai khác hơn là những người bệnh đã tin tưởng tôi, đã quý trọng tôi, đã tuân thủ y lệnh của tôi, cho dù không hẳn trường hợp nào cũng có kết quả như mong muốn. Chương trình khám bệnh không nhận thù lao của tôi, áp dụng cho mọi người, chẳng qua chỉ để “thay lời cảm ơn” gởi về những người đã ưu ái gọi tôi là thầy thuốc theo đúng nghĩa công bằng của ngành y xa xưa. Đó là vui gì khi nhận tiền công nếu chữa người chưa xong?! Bệnh nhân của tôi nếu hài lòng với kết quả điều trị được khuyến khích dùng đồng tiền đáng lý phải tốn cho phòng khám, cho đồng bào khác trong hoàn cảnh cơ nhỡ, như người già neo đơn, trẻ mồ côi khuyết tật… để “cuộc đời vẫn đẹp sao” (Phan Huỳnh Điểu) nhờ “con tim bỗng vui trở lại” (Đức Huy) vì “tìm thấy trong ta, hình bóng con người” (Trịnh Công Sơn).

Có lần khi được hỏi về học vị nào hài lòng nhất đối với bác sĩ, câu trả lời quả thật không ngờ: “Thầy thuốc của nông dân”! Xin bác sĩ đôi lời lý giải về chuyện này?

LLH: Tôi quả thật không giấu nổi cảm xúc khi báo Nông Thôn Ngày Nay kể câu chuyện của anh nông dân vùng sâu đã lội bộ 12 cây số đến trạm bưu điện để cảm ơn tôi vì con anh đã hết bệnh sau khi áp dụng lời chỉ dẫn đơn giản trong một bài báo mộc mạc của tôi. Từ ngày đó tôi đã bỏ nhiều công sức cho chuyên đề “Sức khỏe nhà nông” trên báo, trên mạng, trên đài phát thanh, trên đài truyền hình vì tôi tự cho mình còn nợ nhà nông trên mảnh đất tôi tự hào gọi là Tổ Quốc. Tôi nợ họ, những con người bình dị chân phương như ngọn lúa ngoài đồng, những ân nhân đã âm thầm cống hiến mồ hôi, nước mắt, xương máu cho độc lập, tự do của quê hương, để đất nước này có thể ngẩng mặt như hôm nay, hai tiếng cảm ơn! Nhất sĩ nhì nông nghe oai, nhưng hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. Tôi lẽ nào không biết cảm ơn mỗi lần có trong tay chén cơm luôn được xới đầy bởi các bệnh nhân áo vải, chân lấm, tay bùn? Tôi vì thế vô cùng hãnh diện khi nhận được “học vị không cần đại học” từ một bác nông dân vô danh ở Tiền Giang: “Thầy thuốc của nhà nông Việt Nam”. Để thay lời cảm ơn, bộ ấn phẩm 2 tập “Viết vì sức khỏe nhà nông” với hơn 600 bài viết xoay quanh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho giới dầm nưa dãi nắng quả thật không thấm vào đâu nếu so với công lao của chén cơm đã nuôi tôi làm thầy.

Bác sĩ từ khi trở về nước nhà đã không ngừng cổ động trên truyền thông đại chúng cho việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng dược liệu Việt Nam. Vì sao bác sĩ ưu ái với việc ta về ta tắm ao ta?

LLH: Nếu hiểu lời nhắn nhủ “Nam dược trị nam nhân” của Y sư Tuệ Tĩnh như lời khuyên phủ bênh phủ theo kiểu “Người Việt dùng hàng Việt” thì sai cả cây số. Lời khuyên đó ở thiên niên kỷ này, trong bối cảnh hội nhập của nước ta, nên được hiểu rộng hơn là các công ty dược nội địa cần được hỗ trợ để mang đến trong tầm tay của người bệnh những thành phẩm hiệu quả, an toàn và kinh tế sao cho sản phẩm y dược của nước nhà, dù đông dược hay tân dược cũng thế, phải thừa sức cạnh tranh với thuốc ngoại. Ta không thể chỉ vì niềm tin mà ta về ta tắm ao ta. Đó là lý do tại sao tôi đang là cố vấn không thù lao cho một số công ty dược phẩm, thực phẩm trong nước để giúp họ “đãi cát lọc vàng” thành sản phẩm “vàng ròng không sợ lửa”. Tôi rất hãnh diện với các kết quả cụ thể, như mì ăn liền giải cảm, cà phê dược thảo tăng sức đề kháng, kem đánh răng ngừa viêm xoang, tinh dầu khi trở trời… vì đó không là sản phẩm theo ý nghĩa thông thường được sản xuất để kinh doanh. Đó là những tác phẩm vì lồng trong đó là tâm huyết của người nghiên cứu và nhả sản xuất cùng chung hoài bão biến nguyên liệu của nước nhà thành sản phẩm thừa sức đem chuông đi đánh xứ người.

Bác sĩ thường nhắc đến nơi bác sĩ đã được đào tạo, đến trường Y khoa Minh Đức ở Sài Gòn trước 75. Sau nhiều lần từ chối vì không thích nói về mình, như tiêu đề đã được bác sĩ yêu cầu cho câu chuyện hôm nay, lý do khiến bác sĩ hết mình, hết lòng, thậm chí hết sức cho mục tiêu mang kiến thức y học đến thật gần mọi người là vì một lời thề. Xin bác sĩ cho biết lời thề nào đã gắn liền với “nghiệp chướng” suốt đời thầy thuốc, có liên quan gì với trường xưa?

LLH: Đó là lời thề của riêng tôi theo tôn chỉ thắp sáng của trường Y Khoa Minh Đức “Là thầy thuốc Việt Nam, tôi có trách nhiệm góp phần tích cực xây dụng một nền y học dân tộc, đại chúng và nhân bản. Là thầy thuốc Việt Nam tôi có trách nhiệm góp phần phổ biến kiến thức y học cho người dân mọi giới và tích cực đào tạo những thầy thuốc trẻ sao cho họ giỏi hơn tôi”. Y học dân tộc không có nghĩa là “gấp nếp tàn y giữ lấy hương” bằng cách sao chép nhép miệng theo y học dân gian dù là đã lạc hậu ở thế kỷ 21. Tôi vì thế rất hãnh diện với thương hiệu độc quyền “Đông Y Thế Kỷ 21”. Y học dân tộc cần được hiểu là làm sao tỏa sáng nét độc đáo của nền y khoa đầy tính sáng tạo của người Việt với Tây Y cáo cạnh, với Đông Y tinh xảo, với thầy thuốc độc đáo vì lương tâm chức nghiệp “made only in Việt Nam”. Y học đại chúng là hình ảnh của ngành y tập trung vào nhu cầu và quyền lợi thiết thực của đa số, thay vì lãng phí tiền thuế của người dân cho công trình nghiên cứu các căn bệnh thuộc loại “cả trăm ngàn người có một người … bệnh!”. Sau hết, đừng quên y học nhân bản đồng nghĩa với hai nhân tố không thể tách rời khỏi công tác khám chữa bệnh. Đó là tâm lý cá biệt và kinh tế cá thể của người bệnh.

Thêm 1 câu hỏi riêng tư, từ hơn 40 năm, ngày nào cũng thế, giờ làm việc của bác sĩ thường bắt đầu trễ nhất trước 6 giờ sáng và chấm dứt sớm nhất sau 22 giờ. Trong công việc bác sĩ có là người dễ thương, dễ chịu như “y khoa vui vẻ”?

LLH: Không, trái lại là khác. Khoảng cách giữa danh hài bất hủ Charlot và đạo diễn khắc nghiệt Charly Chaplin chính là hai mặt hài hòa của một tổng thể. Cá nhân tôi tự biết tôi đã “chịu khó” đến thế nào để ngày nay có thể thu nhặt một nhúm thành quả từ truyền thông, từ nghiên cứu y học, dược phẩm, nông nghiệp, thực phẩm… Nhưng mặt khác, trong cuộc sống nghề nghiệp, từ tư vấn ngành y dược bước qua công việc điều trị hàng ngày cho đến tổ chức truyền thông, tôi cũng biết rất rõ là tôi “khó chịu” đến thường khi cường điệu. Ai chưa tin chỉ cần đọc bản nội quy khắc nghiệt trong phòng khám của tôi. Sở dĩ phải như thế cho dù có thêm kẻ ghét, vì theo tôi, không ai bị ép phải chọn nghề y dược, nhưng ai đã lỡ chọn nghiệp chướng này phải chấp nhận đây là một nghề đòi hỏi phải cầu toàn tuyệt đối, không một lần được sơ sót. Chính vì thế mà tôi, trong hơn 40 năm ròng rã, phải đóng tròn vai “đeo mặt nạ sắt” với đối tác, với nhân viên, với bệnh nhân và nhất là với … chính mình! Trong nghề này, dù mưa gió thế nào, dù mạnh yếu ra sao, dù vui buồn cũng vậy, không có ngoại lệ.

Nhờ đâu mà bác sĩ, trong bối cảnh của cuộc sống “văn minh hại điện” khiến ai nấy “không mệt mỏi, không chán nản không về”, vẫn tìm được niềm vui để ngày ngày gieo mạ chân thiện mỹ trong cơn gió lộng bốn phương trời?

LLH: Kẻ gieo mạ trong gió tất nhiên không biết, nói đúng hơn, không cần biết mạ nào sẽ thành lúa cho người ngon cơm. Quan trọng là dù ai ưa, ai ghét vẫn cứ gieo! Quan trọng hơn nhiều, nếu theo đúng “chỉ định điều trị” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là sống trên đời cần có một tấm lòng, mặc kệ gió có cuốn đi thế nào, miễn là cho dù “ngây ngô”, “ngớ ngẩn”, hay thậm chí “ngao ngán” khi gieo mạ, kẻ biếu không kiến thức vẫn cuối ngày có thể mỉm cười mãn nguyện với lương tâm của chính mình, của người được đời ưu ái cho làm thuốc, được đời quý mến cho làm thầy. Tôi nếu tìm được niềm vui trong công việc ít ai chịu làm chẳng qua là để cứu mình khỏi niềm trăn trở vì nợ đời hai tiếng cảm ơn, vì sợi dây oan nghiệt của một lời thề tốt nghiệp. Dù tâm hay thể, thầy thuốc nếu không cứu được mình dễ gì cứu được người, nói chi đến giúp đời.

Nếu dành 1 câu chúc cho các bác sĩ trẻ, cho bệnh nhân xa gần trên khắp các nẻo đường đất nước, cho những người chọn truyền thông phục vụ quê hương, bác sĩ, người xa xứ ròng rã mấy thập niên nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, sẽ chúc gì đây?

LLH: Xin chúc:

  • Đồng nghiệp đã chọn mực đen thay thuốc đắng, cho dù cuộc sống có thăng trầm thế nào, vẫn thừa nghị lực để làm tròn trọng trách “lương tri” theo đúng nghĩa lắng nghe tiếng nói của lương tâm để mang tri thức cho đời.
  • Bệnh nhân trong cuộc chiến cam go không cân đối trước bệnh tật trăm mưu ngàn chước, trước ngành y vẫn còn quá nhiều điều bức xúc, vẫn tin tưởng là cho dù bóng tối của đêm dài có tô đen đường buồn trước mặt chỉ để vầng hồng bình minh thêm màu rực rỡ của một ngày mới đang đến rất gần.
  • Thầy thuốc trẻ trên khắp các nẻo đường đất nước, các đồng môn đang nối gót bước chân mệt mỏi của tôi, đừng bao giờ quên câu cuối trong lời thề tốt nghiệp của trường tôi: “Hôm nay mới chỉ là bắt đầu”.

Đáp lại, tập thể báo Sức Khỏe xin chúc bác sĩ tràn đầy sức khỏe và nhất là nghị lực lội ngược dòng để tiếp tục trên con đường chông gai bác sĩ đã chọn, con đường mượn ngòi bút, trang báo, trang mạng, micro đài phát thanh, ống kính đài truyền hình… thay viên thuốc đắng để người bệnh khắp nơi còn tìm thấy nhúm nhỏ lạc quan và tin yêu trong cuộc chiến mà họ thường khi cô đơn và chắc chắn không chỉ vài ngày. Xin mượn ngay tiêu đề của một bài viết tâm đắc mười năm trước đây của bác sĩ như lời chúc thân tình kết thúc buổi phỏng vấn hôm nay: “Bác sĩ ơi, xin đừng bỏ cuộc”.

Ts. Bs Lương Lễ Hoàng

Khoa điều trị kết hợp đông tây y

Trung tâm oxy cao áp TP.HCM

Nguồn: khoe24h.vn

 

 

 

 

Hanh Ngoc
Author: Hanh Ngoc

.

CLB Phụ nữ hiện đại