Tòa tuyên án bị đơn phải xin lỗi công khai Bệnh viện FV tại phiên phúc thẩm

Tòa tuyên án bị đơn phải xin lỗi công khai Bệnh viện FV tại phiên phúc thẩm

Vào lúc 14:00 ngày 04 tháng 5 năm 2021, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn đông Việt Nam (Bệnh viện FV) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Mộng Châu, bệnh nhân của Bệnh viện này, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm đối với vụ án Bệnh viện FV kiện bà Nguyễn Thị Mộng Châu đã đăng thông tin sai lệch lên mạng xã hội và kêu gọi người đọc chia sẻ lan truyền thông tin, gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông làm tổn hại đến uy tín của Bệnh viện FV và  đội ngũ y bác sĩ. Cụ thể là:

  1. Buộc bà Nguyễn Thị Mộng Châu xóa bỏ toàn bộ các bài viết “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO BẠN UỐNG THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ” vào ngày 23/06/2018, và các bài đăng bằng tiếng Việt và tiếng Anh sau đó trên trang cá nhân Facebook của bà Châu;
  2. Buộc Bà Nguyễn Thị Mộng Châu phải xin lỗi công khai Bệnh viện FV bằng cách đăng lên 03 tờ báo: báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ và báo Phụ Nữ. Mỗi bài đăng 01 kỳ và 01 số. Nội dung như sau “Xin lỗi công khai. Tôi là Nguyễn Thị Mộng Châu, tài khoản Facebook cá nhân là Chau Nguyen. Vào ngày 23/06/2018, tôi có đăng tin trên Facebook của mình bài viết tựa đề “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO BẠN UỐNG THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ”. Bài viết này đã không thể hiện đầy đủ các thông tin của sự việc, từ đó người đọc hiểu không chính xác các thông tin của sự việc và ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện FV. Tôi, Nguyễn Thị Mộng Châu, công khai xin lỗi bệnh viện FV”.

Trước đó, vào sáng ngày 19/6/2018, Bà Nguyễn Thị Mộng Châu (sau đây gọi là “Bà Châu”) là bệnh nhân của Bệnh viện FV, đến điều trị tại Bệnh viện FV vào ngày 19/6/2018 và xuất viện vào ngày 22/6/2018.

Vào lúc 9h47 sáng ngày 23/6/2018, Bà Châu đã đăng tải trên trang Facebook “Chau Nguyen” của bà một bài viết có tiêu đề “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ”. Trong bài viết này, Bà Châu đã viết rằng bà được cho thuốc phá thai trong khi bà đang có thai và kể lại một cách đầy kịch tính tình huống bà được cấp cứu tại Bệnh Viện FV và chiến đấu giữa sự sống và cái chết, đã đặt câu hỏi về đạo đức của các bác sĩ Bệnh viện FV và kết luận bằng cách yêu cầu mọi người chia sẻ bài viết của mình. Thực tế là Bà Châu đã đăng bài viết này SAU KHI đã được bác sĩ giải thích rõ ràng rằng bà đã bị sảy thai có thể do bà đã uống thuốc ngừa thai khẩn cấp vài tuần trước đó (điều mà bà không đề cập đến trong bài viết của mình), và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu kéo dài của bà và đó là lý do tại sao bà đến thăm khám tại Bệnh Viện FV. Hơn nữa, hầu hết những gì bà mô tả đã xảy ra tại Bệnh viện FV vào tối hôm đó hoàn toàn đều là lời dựng chuyện của bà, bởi lẽ một số nhân chứng bao gồm người chăm sóc bà, y tá và bác sĩ đều chứng kiến sự thật diễn ra lúc đó không đúng như lời bà kể lại. Ví dụ như, Bà Châu hoàn toàn tỉnh táo, bà không hề có phản ứng gì khi được thông báo rằng xét nghiệm thai kỳ dương tính và bà cũng chưa bao giờ “khóc như một đứa trẻ”. Rất nhiều chi tiết khác trong bài viết của bà hoàn toàn sai sự thật và được bà sáng tác nên. Cách câu chuyện được kể nhằm mục đích cố tình gây ấn tượng mạnh mẽ để thu hút sự chú ý nhằm lợi dụng lòng thương cảm của cộng đồng mạng. Bà đã kể lại sự việc như thể đây là một sự cố y khoa nghiêm trọng, là một tội ác và tóm tắt lại một cách đơn giản là các bác sĩ của Bệnh Viện FV đã giết chết bào thai của bà.

Ngay lập tức, bài viết đã được lan truyền trên mạng với hơn 3.000 lượt chia sẻ, 101 bình luận và 4.500 lượt thích, đánh động đến các nhà báo và sau đó tin tức tràn lan và tạo nên một cuộc khủng hoảng truyền thông nhấn chìm FV. Gần 300 bài báo đã được đăng tải bằng hình thức báo giấy cũng như báo mạng. Rất nhiều trong số đó có giọng điệu công kích và tiêu đề phản cảm chỉ đơn thuần kể lại một chiều những gì Bà Châu đã viết, làm người đọc hiểu sai bản chất sự việc và phương pháp điều trị của Bệnh Viện FV; khiến người đọc tin rằng Bệnh Viên FV đã mắc phải một sai lầm y khoa tồi tệ.

Căn cứ vào diễn biến sự việc, những thông tin sai lệch mà Bà Châu đã cung cấp, cách thức bà kêu gọi người đọc chia sẻ lan truyền thông tin, sau đó được các phương tiện truyền thông, cả báo giấy lẫn báo mạng, thậm chí là truyền hình đưa tin, trong đó có nhiều tin, bài vô căn cứ, làm tổn hại đến danh tiếng và uy tín của Bệnh Viện FV và các bác sĩ. Sự việc buộc Bệnh Viện FV phải tiến hành những biện pháp tốn kém nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng truyền thông và hạn chế thiệt hại cho uy tín của Bệnh Viện FV do bài viết trên Facebook của Bà Châu; buộc Bệnh Viện FV cùng toàn thể đội ngũ y bác sĩ phải mất một khoảng thời gian và công sức đáng kể để truyền đạt sự thật đến công chúng.

Vì vậy, ngày 13 tháng 7 năm 2018 Bệnh viện FV chính thức khởi kiện bà Nguyễn Thị Mộng Châu.

Ngày 21 tháng 10 năm 2020, Tòa Án Nhân Dân Quận 7, TP Hồ Chí Minh tuyên án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bệnh viện FV: Nguyễn Thị Mộng Châu xóa bỏ toàn bộ các bài viết trên trang cá nhân Facebook của bà Châu liên quan đến vụ việc này; Buộc bà Châu phải xin lỗi công khai Bệnh viện FV bằng cách gửi thư xin lỗi ít nhất 3 tờ báo theo chỉ định của Bệnh viện FV; Buộc bà Nguyễn Thị Mộng Châu phải bồi thường cho tổn thất về tinh thần do uy tín của Bệnh viện FV bị xâm phạm là 13.900.000 đồng. Ngày 04 tháng 5 năm 2021 Tòa Phúc thẩm Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm như nói trên.

Căn cứ vào kết luận của Hội Đồng Chuyên Môn Bộ Y Tế, Tòa án Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh có yêu cầu Bệnh viện FV trả một phần chi phí điều trị cho bà Nguyễn Thị Mộng Châu, nhưng không phải xin lỗi bà Châu.

Nói thêm về kết luận chuyên môn của Bộ Y tế về trường hợp bà Châu. Về phía FV, với sự cầu thị cao nhất, chúng tôi đã triển khai nhiều cuộc họp chuyên môn để rà soát lại quy trình và năng lực chẩn đoán, chuyên môn y khoa với trường hợp của bà Châu. Riêng chi tiết “thai ở vết sẹo mổ cũ”, một số chuyên gia cũng đánh giá đây là trường hợp khó. Việc chưa đánh giá hợp lý trạng thái này đã dẫn đến việc FV chưa xử lý triệt để “thai ở vết sẹo mổ cũ”, và sau đó chúng tôi rất tiếc là bệnh nhân từ chối điều trị tiếp ở FV và FV không có cơ hội để hỗ trợ bệnh nhân đến cùng. Theo tài liệu chuyên môn ban hành theo quyết định số 315/QĐ-BYT ngày 29/01/2015 của Bộ Y tế, thì “thai vết sẹo mổ cũ” (còn gọi là “chửa ở vết mổ”) thuộc nhóm bệnh “phụ khoa” chứ không phải “sản khoa” nên phải bỏ thai. Tuy nhiên, cần khẳng định việc Bà Châu nói FV làm chết thai nhi của bà là không đúng về mặt chuyên môn.

Dr Toan
Author: Dr Toan

CLB Phụ nữ hiện đại