Tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp ở Đông Nam Á với dân số hơn 97 triệu người. Năm 2020, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, đánh dấu tên tuổi của mình trước thế giới như một hình mẫu cho khả năng ứng phó đại dịch trong bối cảnh chỉ sử dụng các nguồn lực hạn chế.
Tính đến 25 tháng 2 năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận 2.420 trường hợp dương tính và 35 trường hợp tử vong do COVID-19. Tốc độ tăng trưởng GDP 2020 của Việt Nam ở mức 2.91% vô cùng ấn tượng. Đất nước này gần đây đã được xếp hạng thứ 18 trong số 53 nền kinh tế được liệt kê trên Bảng xếp hạng Khả năng chống chịu trước COVID hàng tháng của Bloomberg, đánh giá về những “nơi mà đại dịch đang được xử lý hiệu quả nhất với sự gián đoạn ít nhất về xã hội và kinh tế.”
Mặc dù đạt được thành công này, hệ thống y tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi gánh nặng kép từ các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm (NCD), với gánh nặng NCD hiện ngày càng tăng và chiếm 2/3 tổng số ca tử vong mỗi năm. Các yêu cầu giãn cách xã hội, cũng như việc tái phân bổ lực lượng lao động y tế ưu tiên cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID đã gây gián đoạn hệ thống chăm sóc y tế cho người bệnh mãn tính trong thời gian đầu của đại dịch. Chất lượng và hiệu quả của dịch vụ y tế cũng bị ảnh hưởng bởi sự thiếu đồng nhất giữa chỉ thị cấp quốc gia và cách thức triển khai cấp địa phương, cũng như giữa chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trên cơ sở đó, cần cấp thiết đánh giá toàn diện tình trạng hiện tại của hệ thống y tế Việt Nam và rút ra những bài học từ kinh nghiệm của đất nước trong việc ứng phó với COVID-19 trong năm qua, đồng thời xác định cơ hội để cải thiện và thực hiện những thay đổi chính sách dựa trên bằng chứng để tăng cường hệ thống y tế của đất nước. Việc cần làm trước hết là chống chịu từ đại dịch COVID-19, sau đó củng cố toàn diện hệ thống y tế để có thể sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong tương lai.
Tính bền vững liên quan đến khả năng của hệ thống y tế trong việc duy trì các chức năng chính như cung ứng dịch vụ, bảo vệ tài chính, tái tạo nguồn lực và đáp ứng nhu cầu người dân một cách không gián đoạn. Khả năng chống chịu là một phần quan trọng trong tính bền vững, đề cập đến khả năng xác định, ngăn chặn, giảm nhẹ và chống chịu từ những khủng hoảng, trong khi giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, dịch vụ y tế và toàn bộ nền kinh tế.
Trong khuôn khổ Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế (PHSSR), được sáng lập bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Kinh tế London và AstraZeneca, báo cáo này được thực hiện nhằm đánh giá nhanh hệ thống y tế của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính sách theo năm lĩnh vực chính trong Khung đánh giá của PHSSR: Quản trị, Tài chính, Nhân lực, Thuốc và công nghệ, Cung ứng dịch vụ.
Các chủ đề xuyên suốt
Từ các tài liệu của chính phủ, các nguồn dữ liệu và tài liệu nghiên cứu, nghiên cứu đã có thể xác định được những điểm mạnh và điểm yếu chính ảnh hưởng đến tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam. Mặc dù có bản chất rất đa dạng, nhưng các điểm mạnh, điểm yếu này tập trung vào một số chủ đề xuyên suốt như sau:
Sự thiếu đồng nhất giữa cấp quốc gia và địa phương: Sự lãnh đạo và hướng dẫn ở cấp quốc gia tại Việt Nam đã đặc biệt quyết đoán và hiệu quả trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, những hướng dẫn này không phải lúc nào cũng được đáp ứng bằng sự tuân thủ liên tục và nghiêm ngặt ở cấp địa phương, mặc dù điều đó là cần thiết để tránh thiếu sót trong phòng ngừa và kiểm soát đại dịch. Trong mảng cung ứng dịch vụ y tế, hiện cũng có một khoảng cách về chất lượng và khả năng tiếp cận giữa các cơ sở y tế tuyến trên tại các thành phố lớn và các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại tuyến y tế cơ sở. Do đó, nhiều bệnh nhân có khuynh hướng bỏ qua các cơ sở y tế CSSKBĐ đã đăng ký tại địa phương, và tự chuyển tuyến đến các bệnh viện, dẫn đến hệ thống bệnh viện công quá tải và chi phí tiền túi của bệnh nhân tăng cao, cùng với nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế. Bên cạnh việc tăng cường y tế cơ sở/CSSKBĐ, vốn đã được ưu tiên bởi Chính phủ, việc đảm bảo sự hợp tác giữa các cấp và các bên liên quan trong lĩnh vực y tế cũng vô cùng quan trọng.
Chuyển đổi số: COVID-19 đã đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi số của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, nhưng đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe để đảm bảo bệnh nhân được tiếp cận với các phương pháp điều trị tốt nhất. Y học từ xa, hồ sơ y tế điện tử và hệ thống thông tin y tế tuyến cơ sở là các dự án được ưu tiên nhất gần đây. Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn thiếu một chiến lược y tế điện tử toàn quốc nhằm quy định và đảm bảo khả năng vận hành thống nhất của các hệ thống CNTT và cơ sở dữ liệu hiện còn đang phân mảnh. Một hệ thống thông tin y tế quốc gia toàn diện và được cập nhật thường xuyên cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực quốc gia là rất cần thiết để cung cấp những hiểu biết kịp thời và hỗ trợ lập kế hoạch mang tính lâu dài.
Giám sát và đánh giá: Việt Nam đã ban hành một loạt các chính sách và triển khai các chương trình thí điểm nhằm cải thiện đáng kể hệ thống y tế, rất nhiều trong số đó thể hiện một chiến lược tiến bộ và đặt bệnh nhân làm trọng tâm. Tuy nhiên, các nỗ lực giám sát và đánh giá đã và đang không đầy đủ và không thống nhất trên toàn hệ thống, và sự tham gia của xã hội vào quá trình này còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc thiếu rõ ràng trong giải trình trách nhiệm, và bỏ lỡ cơ hội để đưa ra các quyết định điều chỉnh kịp thời và dựa trên bằng chứng. Cần phải xây dựng và thực thi các bước này một cách nghiêm ngặt hơn để các chính sách và chương trình đạt được những mục tiêu đề ra.
Tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế: Mặc dù có tiến bộ trong việc tăng cường nguồn nhân lực y tế trong 10 năm qua, mật độ cán bộ y tế tại Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm thấp hơn của thế giới. Mặc dù Việt Nam không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong thời gian COVID-19 do việc huy động nguồn nhân lực từ các tỉnh và các ngành khác, nhưng vấn đề thiếu nhân lực lâu dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của lực lượng lao động, mà còn ảnh hưởng đến sự thành công của các chương trình trọng điểm như tăng cường chăm sóc sức khỏe tuyến y tế cơ sở, bảo hiểm y tế toàn dân và chuyển đổi số.
Quan hệ đối tác công-tư (PPP): PPP được Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế khuyến khích trong nhiều lĩnh vực như tài chính y tế, phát triển lực lượng lao động, nghiên cứu và phát triển, và cung ứng dịch vụ. Mục đích của những hợp tác này vừa nhằm giảm gánh nặng cho khu vực công, vừa đảm bảo tiếp cận rộng rãi với những phương pháp điều trị chất lượng trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Sự thay đổi này trong chiến lược quốc gia trong những năm gần đây đã đưa Việt Nam và ngành y tế đi đúng hướng, vì hợp tác xuyên biên giới, xuyên ngành và công-tư là rất quan trọng để hỗ trợ Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu y tế của mình. (Trích báo cáo từ Havas).
Chuyên gia y tế Việt Nam hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Kinh tế London và AstraZeneca đề xuất củng cố hệ thống y tế quốc gia
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của “Hợp tác vì Tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế” (PHSSR)*, AstraZeneca Việt Nam và Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Viện CL&CSYT) đã tổ chức một buổi hội nghị vào hôm qua nhằm đề xuất giải pháp tăng cường tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam.
Sự kiện có sự tham gia của hơn 70 chuyên gia y tế trong nước và trên thế giới, là những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý y tế, và các đơn vị nghiên cứu, cung ứng dịch vụ y tế. Nhóm nghiên cứu từ Viện CL&CSYT cũng trình bày Báo cáo PHSSR* vừa được công bố về tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam, bao gồm các khuyến nghị chính sách quan trọng nhằm nâng cao những nỗ lực chăm sóc sức khỏe toàn dân.