Tin vui: Việt Nam đã có máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở đầu tiên của công ty khởi nghiệp Breathonix Singapore
Thông tin từ Bộ Y tế và giới truyền thông Việt Nam đã đưa thông tin vui này đến người dân làm cho nhiều người cảm thấy lạc quan hơn và thêm tin yêu các lực lượng, doanh nghiệp đang cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19.
Moh.gov.vn cho biết là sáng ngày 04/6/2021, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp nhận 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test của Tập đoàn Vingroup trao tặng với tổng giá trị hơn 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng công nghệ vào phòng, chống dịch COVID-19, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công với với Công ty Breathonix (Singapore), nhà sản xuất máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới – để đưa thiết bị này về Việt Nam từ nay đến hết tháng 8/2021.
Thiết bị này cho phép xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở, cho kết quả chính xác hơn 90% trong thử nghiệm lâm sàng tại Singapore. Thiết bị sử dụng các ống ngậm dùng một lần. Người được xét nghiệm chỉ cần thổi vào miệng van một chiều dùng một lần được kết nối với dụng cụ lấy mẫu hơi thở.
Hơi thở ra được thu thập và đưa vào một khối phổ kế tiên tiến để đo lường. Một thuật toán phần mềm độc quyền phân tích các dấu ấn sinh học và cho ra kết quả trong vòng chưa đầy một phút.
Theo các nhà sản xuất, thiết bị sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện những thay đổi sinh hóa trong hơi thở để phát hiện Covid-19. Thiết bị đã được Cơ quan Khoa học Y tế của Singapore (HSA) cấp phép.
Máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở do Công ty Breathonix (Singapore) sản xuất, do tập đoàn Vingroup đàm phán nhập về Việt Nam từ nay đến hết tháng 8/2021.
Đến nay, Vingroup đã tài trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID -19 với tổng trị giá hơn 2.287 tỷ đồng, như: Tài trợ 4 triệu liều vắc xin, trị giá gần 500 tỷ đồng; hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trang thiết bị y tế (400 giường bệnh viện dã chiến, 100 máy thở VFS 410, 19.000 test nhanh COVID-19, 3 xe cấp cứu hiện đại, 1 máy chụp X-quang di động) với giá trị khoảng hơn 30 tỷ đồng; tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 “Made in Vietnam” COVIVAC cho Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất, tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, sản xuất và trao tặng hàng ngàn máy thở cho Bộ Y tế và các nước bạn…
Tập đoàn Vingroup hiện là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Nguồn: Tập đoàn Vingroup trao tặng Bộ Y tế 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở
Còn đây là bản tin của báo điện tử Vnexpress
Nguồn: 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở đầu tiên ở Việt Nam
Cũng thêm một tin vui nữa trong ngày:
Sáng cùng ngày, tại Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với Johnson & Johnson trao đổi về vấn đề nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, hai bên tích cực đàm phán về cung ứng vắc xin của Johnson & Johnson cũng như vấn đề chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine của hãng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với Johnson & Johnson trao đổi về vấn đề nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ quan điểm của Việt Nam là làm sao để tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Thông tin trao đổi tại buổi làm việc cho biết, cùng với mong muốn Johnson & Johnson có kế hoạch cung ứng vaccine COVID-19 cho Việt Nam, phía Việt Nam cũng mong muốn được hợp tác với Johnson & Johnson về gia công và chuyển giao công nghệ để thiết lập nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hiện nay rất nhiều tập đoàn lớn của Vệt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. Việt Nam cũng là 1 trong hơn 40 quốc gia có thể sản xuất được vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân, do đó kinh nghiệm sản xuất vaccine của các nhà máy của Việt Nam được đảm bảo. Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) của Việt Nam cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn của tổ chức này, vì vậy, Việt Nam rất mong muốn Johnson & Johnson chuyên giao công nghệ để sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Hình ảnh trực tuyến đại diện Johnson & Johnson họp với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam
Đại diện Johnson & Johnson đánh giá cao công tác phòng chống dịch hiệu quả của Việt Nam. Về khả năng cung ứng vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson, đại diện Johnson & Johnson cho biết hãng đã tham gia cơ chế COVAX với cam kết cung ứng 200 triệu liều từ nay đến cuối năm 2021. Phía Johnson & Johnson cam kết sau cuộc làm việc với Bộ Y tế, Johnson & Johnson sẽ nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình cung ứng vắc xin của Johnson & Johnson qua cơ chế COVAX, làm sao để Việt Nam có vắc xin của Johnson & Johnson sớm nhất; đồng thời phía Johnson & Jonhson cũng cho biết đã có kế hoạch để nộp hồ sơ đăng ký vaccine Jonhson & Jonhson tại Việt Nam.
Đại diện của Johnson& Johnson cho biết thêm, hãng sẽ nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Sở Y Tế cũng công bố trên trang tin ngành khá chi tiết về Bộ dụng cụ Breathonix có thể phát hiện COVID-19 qua hơi thở.
Nguồn:Xét nghiệm tầm soát COVID-19 qua hơi thở đã được Singapore phê chuẩn.
Với độ nhạy 93% và độ đặc hiệu là 95%, xét nghiệm tầm soát COVID-19 qua hơi thở có kết quả trong vòng 1 phút đã mở ra một hướng tiếp cận mới khi cần tầm soát số lượng lớn trong một thời gian ngắn trong cộng đồng.
Bộ dụng cụ Breathonix có thể phát hiện COVID-19 qua hơi thở trong vòng một phút tại một phòng thí nghiệm ở Singapore vào tháng 10 năm 2020 (REUTERS)
Đây là một sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty khởi nghiệp Breathonix thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thực hiện. Cơ chế hoạt động giống như dụng cụ kiểm tra hơi thở của người lái xe xem có sử dụng rượu, bia hay không. Theo đó, người được tầm soát COVID-19 sẽ thổi vào một ống ngậm có van một chiều, các hợp chất có trong hơi thở của người thổi sẽ được phần mềm máy học phân tích và so sánh với các hợp chất có trong hơi thở của người đã bị nhiễm SARS-CoV-2.
Cho đến thời điểm trước khi được Bộ Y tế Singapore phê chuẩn, thử nghiệm Breathonix đã trải qua 3 thử nghiệm lâm sàng, 2 thử nghiệm ở Singapore và 1 thử nghiệm ở Dubai. Kết quả cho thấy, xét nghiệm tầm soát COVID-19 qua hơi thở đạt được độ nhạy 93% và độ đặc hiệu là 95% trong một nghiên cứu tại Singapore với 180 người tham gia.
Hiện nay, xét nghiệm tầm soát COVID-19 qua hơi thở được Singapore áp dụng sàng lọc những du khách đến từ Malaysia (tại trạm kiểm soát Tuas). Người có kết quả dương tính qua xét nghiệm hơi thở sẽ được làm xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR. Như vậy, hiện nay Singapore áp dụng 2 giải pháp sàng lọc nhanh COVID-19, một là xét nghiệm nhanh kháng nguyên, hai là xét nghiệm tầm soát COVID-19 qua hơi thở.