Thợ tattoo, người chia sẻ những thông điệp nghệ thuật

Thợ tattoo, người chia sẻ những thông điệp nghệ thuật

 Vài năm trở lại đây, xu hướng xăm hình (tattoo) nghệ thuật đã được xã hội nhìn nhận một cách cởi mở hơn. Trong cách hiểu của nhiều người, nó đã không còn là sự thể hiện “hổ báo” của những tay anh chị giang hồ

  • Phạm Nhật Vĩnh thiết kế mẫu tattoo cho khách hàng.

Phạm Nhật Vĩnh thiết kế mẫu tattoo cho khách hàng.. 

Đặc biệt là giới trẻ, đây còn được xem là một thứ trang sức nghệ thuật của riêng mình. Đối tượng khách hàng mở rộng và đa dạng đã khiến cho tattoo trở thành nghề “hot”.

Nghề khó và kén người

Cửa hàng tattoo nơi làm việc Phạm Nhật Vĩnh nằm khiêm tốn trên tầng 2 trong ngõ vắng khu vực phố cổ Hà Nội. Bình thường sẽ không thể có một khách vãng lai nào đến đó để xăm hình, mà chủ yếu là các khách hàng quen biết và qua giới thiệu, một nhóm đối tượng khách hàng khác biết đến thông qua trang mạng và online.

Là cựu sinh viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Vĩnh vào nghề đã được 4 năm, anh cho biết, đây là một nghề tương đối khó và kén người. Bắt đầu học nghề từ chính cửa hàng này và người đào tạo Vĩnh là anh Đỗ Việt Phương chủ cửa hàng, một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực tattoo ở Hà Nội.

Học tattoo rất khó, nó đòi hỏi người thợ phải tổng hòa được các yếu tố cần thiết, đầu tiên phải có chút năng khiếu về mỹ thuật, hội họa. Có kiến thức về thiết kế, học thuật, tạo hình…

Vẽ trên da là một chất liệu đặc thù người thợ phải làm quen, đây là kỹ năng khó khăn nhất khi học nghề. Khi đã tự tin vào khả năng kỹ thuật vẽ trên da, người thợ sẽ nhận thấy mình cần phải tiếp tục học thêm những kiến thức, kỹ thuật thực hành khác.

Bên cạnh đó, người học cũng phải rèn luyện rất nhiều, chủ động tìm nơi học hỏi những kiến thức mới, dành thời gian tự tìm hiểu, cập nhật hình mẫu mới, cách làm mới. Theo Vĩnh, làm tattoo, người thợ cũng vẽ khá nhiều để luyện tay nghề cũng như tìm kiếm một nguồn cảm hứng mới cho công việc.

Tìm người dám đặt niềm tin

Nguyễn Thanh Hùng với tattoo “cực chất” 

Cùng làm với Vĩnh, anh Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ, khi mới học việc có “đất” để thực hành rất hiếm, vì làm trên da không thể giống như trên giấy mà có thể xóa đi hay vứt bỏ để làm cái mới.

Việc thực hành trên da giả cũng chỉ là một phần mô phỏng để người thợ có được cảm giác ban đầu, chứ không thể là một khách hàng đích thực.

Cho nên, vẫn phải dựa vào khả năng để tìm kiếm người dám đặt niềm tin vào mình. Muốn vậy, người thợ phải có những sản phẩm đẹp, được nhiều người biết đến.

Để làm được điều này, trước tiên phải nhờ người thân quen để làm “giáo cụ trực quan”, làm miễn phí hoặc chỉ lấy tiền mực, tiền kim… để nâng cao tay nghề.

Người đến với nghề tattoo phải thực sự có đam mê thì mới có thể đi đến thành công. Mới nhìn vào thì có vẻ hấp dẫn bởi công việc có dáng vẻ nghệ sĩ, thu nhập cao… Nhưng đi vào thực tế, công việc này rất dễ làm cho người ta nản chí bởi không phải ai muốn làm cũng được.

Hùng cho rằng, tattoo là một nghề “gây nghiện”, bởi mỗi tattoo đều là một tác phẩm nghệ thuật, cảm giác thú vị của công việc là được khách hàng tôn trọng, yêu mến bởi giá trị tinh thần mà người thợ đã tạo ra cho khách hàng. Điều này thực sự có giá trị thúc đẩy người thợ càng cố gắng hơn trong sáng tạo nghệ thuật, thiết kế những tác phẩm độc đáo, khác biệt hơn.

Tattoo không chỉ đơn giản là người sao chép hình mẫu từ giấy lên da mà còn kiêm cả nhà thiết kế, nghệ sĩ tạo hình. Khi bắt đầu công việc, người thợ sẽ cùng trao đổi với khách hàng để đưa ra những ý tưởng gợi mở, trên cơ sở đó, hình xăm sẽ được thiết kế trên máy tính để cho ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh.

Tác phẩm sẽ được scan lên da để bắt đầu quy trình tattoo. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ và thiết bị mới, các hình xăm đã được thực hiện chính xác và hoàn chỉnh hơn nhiều. Tuy nhiên, đây cũng vẫn là công đoạn quan trọng nhất đòi hỏi sự tập trung cao độ của người thợ, bởi nếu xảy ra lỗi thì việc sửa chữa là rất khó khăn.

Không “hổ báo” nhưng cần cân nhắc kỹ

Nói về khách hàng, anh Vĩnh cho biết, hiện nay, trong con mắt nhiều người, nó đã không còn là sự thể hiện “hổ báo” của những tay anh chị giang hồ.

Đặc biệt là giới trẻ, đây được xem là một thứ trang sức nghệ thuật của riêng mình. Ca sĩ, diễn viên thì gần như là trào lưu, không chỉ thanh niên, sinh viên mà còn có những khách hàng đang làm việc tại các công ty, ngân hàng, cơ quan Nhà nước.

Khách hàng mới đây của Vĩnh là một phụ nữ đang làm việc trong cơ quan Nhà nước, sau khi trao đổi, chị lựa chọn hình xăm hoa bồ công anh bởi ý nghĩa thuần khiết, chia sẻ yêu thương. Chị cho rằng không nên quan tâm đến định kiến, mà coi đó là một thông điệp và cũng để giấu đi khiếm khuyết trên cơ thể.

Mức phí phải trả thường theo độ rộng của tác phẩm, một tattoo nhỏ có giá dịch vụ từ 1 – 4 triệu đồng. Còn khổ lớn thì từ 20 – 30 triệu đồng trở lên, thời gian thực hiện cũng lâu hơn, mỗi hôm làm từ 5 đến 7 giờ, từ vài ngày có khi đến cả tuần mới hoàn thiện tác phẩm…

Xu hướng tattoo trong giới trẻ, nữ giới thường ưa thích những hình xăm có kích thước nhỏ như xăm chữ, xăm tượng hình cho tên riêng, cho một câu nói ý nghĩa hay các hình ngộ nghĩnh, đáng yêu…

Trong khi nam giới lại chuộng những hình xăm khá chất và hầm hố. Thay vì thuần xăm đen như trước, các hình xăm bây giờ thiên hơn về màu sắc rực rỡ và bắt mắt. Một số khách hàng lại tìm đến xăm hình như một cách để che đi các vết sẹo, khiếm khuyết trên cơ thể.

Mặc dù đã giảm đáng kể định kiến xã hội, tuy nhiên tattoo rất khó tẩy xóa và bền bỉ theo thời gian. Bởi vậy, khi quyết định lựa chọn tattoo, cần phải chắc chắn và có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Nguồn: Giáo Dục Thời Đại

 

 

 

Hanh Ngoc
Author: Hanh Ngoc

.

CLB Phụ nữ hiện đại