Sinh viên với cuộc chiến chống lại các thách thức môi trường trong ngành du lịch Việt Nam.
Việt Nam thải ra khoảng 3,7 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm nhưng chỉ khoảng 10-15% trong số đó được thu gom để tái chế. Cũng không mấy ngạc nhiên khi mà nghiên cứu của Ocean Conservancy đã xếp Việt Nam là nước gây ô nhiễm đại dương lớn thứ tư trên toàn cầu.
Ngoài ra, theo một báo cáo của Euromonitor International công bố vào tháng 3/2021, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xếp hạng thấp nhất từ dưới lên trong bảng xếp hạng du lịch bền vững toàn cầu, cụ thể là xếp thứ 96 trong số 99 nền kinh tế.
Mới đây, hơn 210 sinh viên ngành Cử nhân Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT đã tham gia vào một chiến dịch dọn rác ở Vũng Tàu nhằm góp phần giải quyết các vấn đề môi trường mà nhiều điểm du lịch trên cả nước đang gặp phải.
Vốn là một địa điểm nghỉ dưỡng được người dân khu vực phía Nam ưa chuộng nhờ các bãi biển đẹp và hải sản tươi ngon, thành phố Vũng Tàu đã và đang phải hứng chịu nhiều sự cố rò rỉ chất thải nhựa, xả rác bừa bãi và ô nhiễm đại dương. Được sự cho phép của chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhóm sinh viên RMIT đã quyết định chung tay giải quyết vấn đề này và kêu gọi cải thiện môi trường và cảnh quan Vũng Tàu thông qua chiến dịch dọn rác tại đây.
Tại khu vực núi Tao Phùng và mũi Nghinh Phong, nhóm sinh viên đã thu gom các loại nắp chai, chai nhựa PET, ống hút nhựa, bao bì giấy, thuốc lá và thậm chí cả quần áo bơi trong hành trình kéo dài hai giờ đồng hồ.
Chuyến đi thực địa nằm trong khuôn khổ môn học Quản trị du lịch sinh thái và hoạt động khách sạn bền vững tại RMIT. Môn học này nhằm mục đích trau dồi tư duy bền vững và kỹ năng giải quyết vấn đề bền vững cho các nhà lãnh đạo tương lai của ngành dịch vụ quan trọng này.
Tham gia sự kiện còn có Tiến sĩ Trần Anh Tú đến từ trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ông đã giải thích và trình bày nhiều góc độ khác nhau về các thách thức môi trường. Qua đó, các sinh viên đã hiểu hơn về vi nhựa, cách vi nhựa đang bị lãng phí, phân loại hay tái chế ở Việt Nam, cũng như quá trình tạo ra chất thải nhựa.
Bạn Trịnh Gia Hân, một sinh viên tham gia phong trào này cho biết: “Tôi được tìm hiểu về những yếu tố gây hại cho Trái Đất và cách chúng ta có thể bảo vệ môi trường xung quanh. Hoạt động này cũng mang lại cho tôi một trải nghiệm tuyệt vời vì tôi được hòa mình vào phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây – Tôi không thể tin được đất nước của mình lại đẹp đến vậy!”
Giảng viên RMIT Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy cho biết: “Chúng tôi cố gắng cung cấp chất lượng giáo dục cao bằng cách ứng dụng các công cụ giảng dạy khác nhau để thu hút sự tham gia của sinh viên. Thông qua hoạt động thúc đẩy tính bền vững này, các sinh viên đã học hỏi và trải nghiệm trực tiếp xem du lịch bền vững là như thế nào”.
Cô nhận định: “Sự kiện này cũng thúc đẩy nhận thức về việc đầu tư cho hành tinh của chúng ta, và khuyến khích hành động có chủ đích nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (tài nguyên và môi trường biển) và số 15 (tài nguyên và môi trường trên đất liền) của Liên Hợp Quốc”.
Chiến dịch làm sạch Vũng Tàu là sự kiện mới nhất trong chuỗi hoạt động vì môi trường của sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn RMIT.
Trước đó vào năm 2021, một nhóm sinh viên theo học ngành này đã giành ngôi vô địch của cuộc thi sinh viên du lịch toàn cầu UNWTO Students’ League nhờ kế hoạch hành động bền vững nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ở đảo Phú Quốc. Nhóm đã đề xuất các giải pháp sáng tạo gồm giảm đồ nhựa trong bộ sản phẩm vệ sinh cá nhân dùng trong phòng khách sạn, giúp khách du lịch hiểu về rác thải nhựa, cũng như hợp tác với Hiệp hội Thương mại hữu cơ (OTA) để phát triển phù hiệu xanh cho một khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.
Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, cho biết: “Một môi trường sạch sẽ và lành mạnh là một môi trường hấp dẫn để mọi người cùng tận hưởng và sinh sống bên nhau. Con người là một phần của môi trường và vì vậy chúng ta có trách nhiệm bảo vệ nó”.
“Để đáp ứng với các thông lệ bền vững toàn cầu và các Mục tiêu phát triển bền vững, nhà trường luôn lấy khái niệm phát triển bền vững làm trọng tâm của chương trình giảng dạy trong ngành Quản trị du lịch và khách sạn”, bà cho biết.
“Trong số các sinh viên của chúng tôi sẽ có nhiều em trở thành lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai. Ngay từ bây giờ các em đã được học về giá trị quan trọng của việc trực tiếp hành động vì tính bền vững thông qua các hoạt động cộng đồng nhằm bảo vệ và gìn giữ cho môi trường của chúng ta trong sạch”.