Sinh viên nhận Học bổng Hiệu trưởng nhờ tư duy đổi mới sáng tạo
(Phunuvietkhoinghiep.vn)-Năm nay, một trong các suất Học bổng Hiệu trưởng Đại học RMIT đã thuộc về nam sinh vừa có năng lực nổi trội trong lĩnh vực khoa học máy tính, vừa có tư duy đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp xã hội.
Nguyễn Hoàng Minh Khôi nhận suất Học bổng Hiệu trưởng từ Giáo sư Rick Bennett – Phó hiệu trưởng (phụ trách Đào tạo) kiêm Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế – tại Lễ trao học bổng Đại học RMIT.
Cựu sinh viên trường chuyên Lê Hồng Phong Nguyễn Hoàng Minh Khôi vừa được trao học bổng danh giá của RMIT Việt Nam để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học với chương trình Cử nhân Công nghệ Thông tin.
Thời học phổ thông, Khôi đã cho thấy khả năng thiên bẩm về khoa học máy tính khi vào tới vòng chung kết cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế 2018 (Intel ISEF 2018) diễn ra tại Mỹ với dự án NeoEyes: Mắt kính thông minh cho người khiếm thị. Trong dự án này, Khi đã dùng trí tuệ nhân tạo để tạo ra mắt kính thông minh cho các bạn học sinh khiếm thị. Cặp kính này có khả năng nhận diện tiếng Việt và đọc nội dung cho người dùng.
Học sinh khiếm thị dùng mắt kính thông minh NeoEyes.
Cảm hứng thiết kế cặp kính đến với Khôi từ thời gian làm tình nguyện viên tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu – nơi bạn được tiếp xúc với các em học sinh khiếm thị, đồng cảm với khó khăn của các em, và quyết định tìm giải pháp bền vững hơn để hỗ trợ việc học cho các em.
“Doanh nghiệp và các tổ chức thường quên mất nhu cầu của người khuyết tật”, Khôi cho biết. “Tài liệu và dụng cụ học tập thường được thiết kế cho số đông. Tôi muốn phá vỡ rào cản này và đem đến cho người khuyết tật trải nghiệm học bình đẳng”.
Sau cuộc thi, Khôi đã chia sẻ công thức và hướng dẫn cho kỹ thuật viên của nhiều tổ chức cách lắp ráp cặp kính thông minh. Với hỗ trợ tài chính từ các mạnh thường quân, 50 cặp kính thông minh đã được lắp ráp và gửi tặng các em học sinh cần đến chúng.
Bên cạnh việc giúp đỡ các em học sinh trong quá trình học, Khôi còn rất thích lan tỏa tình yêu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) đến các em nhỏ với mong muốn góp phần phát triển khoa học kỹ thuật cho nước nhà.
Khôi sáng lập dự án cộng đồng inspireX vào năm 2018 để truyền cảm hứng học STEM cho các em học sinh thông qua những hoạt động thú vị. Trong vòng một năm, inspireX đã hợp tác với nhiều chuyên gia trong ngành tổ chức năm buổi học giúp các em học sinh có được trải nghiệm thực tiễn và thay đổi cách nhìn nhận về STEM.
“Quy mô lớp học mở rộng dần theo thời gian, từ 30 đến 150 học viên cho mỗi buổi. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ bé so với số lượng học sinh thực tế ngoài xã hội”, Khôi nói.
“Tôi hy vọng với kiến thức và các mối quan hệ có được trong quá trình học tại RMIT sẽ giúp tôi mở rộng inspireX và mang STEM đến các vùng nông thôn, để có thể đóng góp vào sự phát triển tiềm năng của ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật Việt Nam”.
Dù có vẻ là hình mẫu sinh viên lý tưởng, Khôi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như bao bạn trẻ đồng trang lứa khác. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Khôi đã từ chối giấy báo nhập học của hai trường đại học gồm Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, và dành một năm nghỉ học (gap year) để khám phá bản thân mình.
“Không biết mình muốn gì sau khi ra trường là điều rất đỗi bình thường nên các bạn đừng sợ”, Khôi chia sẻ.
Ngoài khoa học máy tính, Khôi cũng rất thích chụp ảnh.
Khôi khuyên các bạn đồng trang lứa hãy bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm nhiều thứ nhất có thể vì các bạn vẫn có nhiều thời gian để có thể thử nghiệm và khám phá.
“Chúng ta cần thử và thất bại nhiều lần để biết mình muốn gì. Mỗi người có quá trình tự khám phá bản thân khác nhau, nên đừng cảm thấy bị áp lực”, Khôi kết lời.
RMIT
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media