PsyCare: mô hình tư vấn và hỗ trợ tinh thần cho người dân trong dịch Covid -19

PsyCare: mô hình tư vấn và hỗ trợ tinh thần cho người dân trong dịch Covid -19

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở một mình, đối diện hoặc sống trong bầu không khí căng thẳng trong một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.

Đặc biệt, khi cả thế giới đang căng mình chống dịch Covid thì sự lo lắng, bất an, suy nghĩ tiêu cực của người ở khu phong tỏa, cách ly và cả những đối tượng khác có liên quan có nguy cơ gia tăng! Đây là diễn tiến cần kiểm soát nếu không sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình sức khỏe tinh thần cũng như hiệu quả chống dịch.

Những lo lắng của người ở khu cách li với các diễn tiến khá phức tạp. Từ các lo lắng về sức khỏe, về mối quan hệ gia đình, các vấn đề về tương lai có nguy cơ phát sinh một cách thụ động. Hay người ở khu phong tỏa nếu không làm chủ cảm xúc, thiếu sự cân bằng nội tại sẽ tạo ra những mâu thuẫn và xung đột không đáng có, điều này làm xáo trộn tinh thần của bản thân, gây nên những hệ lụy nhất định. Những giải pháp chăm sóc tinh thần luôn được lựa chọn để nâng đỡ tinh thần, tạo ra những định hướng để người ở trong tình trạng này cảm thấy thoải mái hơn, có niềm tin hơn về cuộc sống…

Kết quả nghiên cứu của Khoa Tâm lý học, Trường  Đại học Sư phạm TP.HCM khẳng định: Nếu được trò chuyện với người mà họ tin tưởng hoặc chia sẻ các cảm xúc của mình với các chuyên gia sức khỏe tâm thần là một trong những liệu pháp tuyệt vời giúp xoa dịu, nâng đỡ cả về thể chất và tinh thần giúp họ vượt qua quãng thời gian ở khu cách li, phong tỏa hoặc trong thời gian điều trị bệnh.

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã xây dựng Mô hình tư vấn và hỗ trợ tinh thần cho người dân ở khu cách li sau gần 1 tháng khảo sát, phân tích, đánh giá và có những ý kiến của các chuyên gia. Đây là một nhiệm vụ được Ban Giám Hiệu nhà trường giao cho Khoa Tâm lý học trực tiếp triển khai thực tiễn để ứng dụng những kinh nghiệm và những kiến thức chuyên môn của Khoa, của các Trung tâm và những đối tác hỗ trợ cũng như các mạnh thường quân.

Trao đổi về lí do Trường Đại học Sư phạm xét duyệt Dự án PsyCare – Chăm sóc tinh thần mùa Covid, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn – Hiệu Trưởng nhà trường phát biểu: “Sức khỏe tinh thần cũng quan trọng đối với mỗi người chúng ta trong mùa dịch. Là cơ sở đào tạo ngành Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục, Công tác xã hội và những ngành nghề có liên quan đến con người, Trường ý thức được trách nhiệm và luôn đồng hành với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành lân cận về chăm sóc con người. Những nghiên cứu đã cho thấy, niềm tin chống dịch là rất quan trọng nếu có thông tin đúng, tuân thủ đúng; Với người đang ở khu phong tỏa, khu cách li… việc nâng đỡ tinh thần mang đến các tác động tích cực để trấn an tâm lý, tạo ra sức mạnh nội tại để mỗi người sẽ tư duy tích cực, có hành động phù hợp để bảo vệ bản thân, góp phần chống dịch từ các tương tác có ý nghĩa. Đây là nhiệm vụ đặt hàng của Khoa Tâm lý học, Trường xem xét và ủng hộ để triển khai như một nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng đầy tính nhân văn. Trường ý thức rõ việc tác động của nhiệm vụ này nên sẽ đầu tư nguồn lực, kinh phí và nhất là giám sát, quản lý để các tác động đi đến đích, đóng góp phần nào vào những nỗ lực chống dịch của cả nước.

PsyCare – Chăm sóc tinh thần mùa Covid với thông điệp: Nâng tinh thần, đánh bật Covid được sự tham gia của hơn 40 chuyên gia Tâm lí học, Tâm lí giáo dục, Tâm lí trị liệu, Tâm lí lâm sàng, Bác sĩ và hơn 10 Tình nguyện viên điều phối viên ở Khoa Tâm lí học, các trung tâm tư vấn tâm lí, các bệnh viện ở TP.HCM, Tiền Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Thái Nguyên,…

Mô hình tư vấn & Hỗ trợ tinh thần Psycare – Chăm sóc tinh thần mùa Covid: Tư vấn cộng đồng và Chăm sóc tinh thần vừa tư vấn đại trà cho cá nhân, nhóm vừa phòng ngừa, can thiệp trực tiếp với các cá nhân sang chấn tâm lí như một ứng dụng trong nghiên cứu thực hiện.

PsyCare cung cấp các giải pháp: Hỗ trợ qua trang fanpage PsyCare – Chăm sóc tinh thần mùa Covid giúp người dùng hiểu rõ hơn các thông tin về dịch bệnh; tư vấn và hỗ trợ các bài tập tự nâng đỡ, xây dựng thể chất và tinh thần; các bài viết khoa học, video, giải đáp của các chuyên gia về vấn đề tâm lí, sức khỏe tâm thần; Hỗ trợ bằng chuỗi các video với các chủ đề khác nhau được gửi đến điện thoại người dân mỗi ngày. Mỗi clip là những tips hay những lời khuyên hoặc các bài tập gợi ý được các chuyên gia tư vấn, các bác sĩ, các chuyên gia vận động gửi đến người dùng dựa trên thông tin về số ngày người cách ly ở, tình trạng sức khỏe và vài dự phòng về phản ứng tâm lý để đảm bảo tính tác động phù hợp và ý nghĩa chăm sóc tinh thần;  Hỗ trợ tư vấn tâm lí – chăm sóc tinh thần cho người dân qua zalo, qua fanpage 24/7 để tiếp ca, nhận ca hỗ trợ người dân ngay lập tức – ưu tiên hướng đến việc tư vấn nhóm thông qua Ban quản lí khu cách li để tư vấn cho các đối tượng thông qua fanpage, khai thác tính năng đặc biệt của zalo ẩn của người dùng để đảm bảo tính bảo mật và tính riêng tư; Hỗ trợ nâng đỡ tinh thần qua cẩm nang dạng gấp nhỏ bỏ túi phát cho cá nhân và khổ A1, dán tại khu cách ly, phong tỏa hoặc một số đối tượng có nhu cầu để tham khảo nhằm tự nâng đỡ tinh thần.

TS. Đỗ Tất Thiên cho biết: “Khoa Tâm lý học nhận thấy đây là nhiệm vụ mang tầm ảnh hưởng lớn, có tác động đến xã hội, nhất là thể hiện trách nhiệm chuyên môn của Khoa đào tạo nên chúng tôi rất nỗ lực nghiên cứu và trình dự án để Trường xét duyệt. Một tháng dành cho nghiên cứu ứng dụng là khá ngắn nên nhóm phải vận động thêm các chuyên gia và nhất là các Trung tâm tư vấn đồng hành”.

ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ý Tưởng Việt phát biểu tại buổi triển khai dự án: “Là giảng viên thỉnh giảng của Khoa, là người luôn dõi theo các vấn đề của xã hội, chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đóng góp và thực hiện vai trò xã hội. Trung tâm đã huy động các chuyên gia cùng hoàn thiện mô hình và sẵn sàng tham gia tư vấn, chăm sóc tinh thần cho người có nhu cầu dựa trên sự kết nối của PsyCare với nguồn lực và sự nỗ lực cao nhất nâng đỡ tinh thần một cách hiệu quả”.

Với thời gian nghiên cứu thử nghiệm gần 1 thángdự án triển khai từ ngày 22/7 đến khi dịch bệnh đã được kiểm soát theo diễn tiến chung cho người đang ở khu phong tỏa, giãn cách đặc biệt; khu cách li hoặc bệnh viện dã chiến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và vài tỉnh thành lân cận theo tiến trình phát triển của Dự án. Đây là động thái quan trọng thể hiện sự đồng tâm, hiệp lực của giới chuyên môn, của các nhà khoa học, chuyên viên tham vấn trong công tác cùng đồng hành chống dịch Covid trong diễn tiến phức tạp của dịch bệnh mà Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đang làm tâm điểm dịch của các tỉnh phía Nam.

CLB Phụ nữ hiện đại