Những bài học ở trường đời
Người ta nói bước vào cánh cổng đại học là bước vào thế giới khác, tôi lại nghĩ bước vào đời mới thực sự là bước vào thế giới khác.
Quên đi việc bị bố mẹ đánh thức mỗi sáng, thứ đánh thức tôi là trách nhiệm, là đồng tiền và là cuộc sống mưu sinh. Thời còn đi học, tiền là thứ yếu với tôi, cái tôi quan tâm là tình cảm, là niềm vui. Khi đi làm, không có tiền thì dễ gì có được niềm vui và hạnh phúc? Không thực dụng nhưng phải thực tế, cuộc sống nó dạy mình vậy chứ có ai dạy đâu.
Đi làm rồi tôi mới hiểu, một đồng tiền kiếm ra không hề dễ dàng. Một giờ bạn đổ bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu chất xám, bao nhiêu công sức như thế, thì được trả bao nhiêu? Và, bạn tiêu hết số tiền đó trong bao lâu?
Có khi để có được 50.000 đồng, tôi phải vừa khóc vừa làm việc trong hai tiếng đồng hồ, nhưng rồi sau giờ làm, tôi chỉ tiêu hết trong vòng 5 phút. Đi làm mới thấy thương bố mẹ, để có được 50.000 đồng cho tôi tiêu, họ đã phải đánh đổi những gì.
Đi làm rồi mới hiểu, đẹp cũng là một dạng tài năng. Khi bạn có vẻ ngoài ưa nhìn, mọi thứ sẽ thuận lợi hơn, may mắn sẽ ghé thăm nhiều hơn. Hãy chăm chút cho bản thân một chút, không đẹp thì cũng phải gọn gàng, sạch sẽ. Các bạn nào chuẩn bị ra làm vị trí kinh doanh, marketing hay văn phòng nên lưu ý.
Tôi nhận ra thân thiện nhưng không quá thân mật – là điều nên làm, con người không phải ai cũng “đơn giản” như mình nghĩ. Dù thế nào, hãy giữ cho mình một khoảng không riêng tư. Cái gì cũng cho người ta biết, rồi sẽ có lúc cảm thấy mình dại dột. Tôi đã không dưới ba lần bị như thế. Sống hướng ngoại không có nghĩa là phơi bày mọi thứ về mình. Bạn được gì khi cho phép mọi người hiểu tường tận hang cùng ngõ hẻm ở bạn? Đừng “thẳng như ruột ngựa”, để tồn tại, hãy cong một xíu, vì mình không phải con ngựa.
Song, nhất định phải có cho mình một nguyên tắc. Nguyên tắc là thứ khiến người khác phải tôn trọng bạn. Tôi đã từng bị sếp nói những điều cay nghiệt, thậm chí xúc phạm, nhưng lỗi không phải chỉ ở phía người sếp, bởi không ai có quyền xúc phạm bạn nếu bạn không cho người ta cơ hội làm điều đó. Sau này, nguyên tắc của tôi là không để cho ai có cơ hội được xúc phạm mình. Hãy nhớ, mình xứng đáng được tôn trọng, dù bạn ở vị trí nào đi chăng nữa.
Không nơi nào không có cạnh tranh đấu đá, có khác chăng chỉ là nó là cơn sóng ngầm hay nổi mà thôi. Có một câu trong triết học: “Mọi mâu thuẫn đều bắt nguồn từ lợi ích cá nhân”, bạn sẽ thấy bức tranh đó cận cảnh khi bạn đi làm. Bạn sẽ hiểu rõ từng người hơn khi bạn và họ có sự xung đột về lợi ích.
“Không có ai cho không ai cái gì”, đây là câu mẹ tôi thường nói với tôi lúc tôi còn đi học. Khi đó, tôi chỉ cười và cho rằng mẹ tiêu cực quá. Bước ra đời rồi, câu đó thấm ngược vào trí óc tôi. Đừng bao giờ nghĩ rằng họ cho bạn cái gì miễn phí, và đừng mong đợi điều đó.
Họ chỉ cho bạn khi bạn có giá trị tương xứng với họ hoặc trả lại cho họ được điều gì đó thôi. Tệ hơn, bạn tin không, họ tự tay lấy đi những thứ của bạn, mà họ cho rằng vì giúp đỡ bạn nên họ được quyền như thế. Câu này khó hiểu nhưng tôi không giải thích ra, vì tôi tin chắc đang có nhiều bạn hiểu rồi. Hơi phũ nhưng sự thật là vậy. Nên, bạn tôi ơi, thay vì trông chờ ở người khác, đứng trên đôi chân của mình là điều tuyệt nhất, dù cho đôi chân đó có yếu ớt như nào đi chăng nữa, hãy tập đứng và đi bằng đôi chân này.
Lúc còn đi học, tôi thích đăng status lắm, từ hình đi chơi đến hình đi shopping, và hình chụp tin nhắn của người yêu để khoe với mọi người. Nhưng từ lúc đi làm, tôi ít đăng status, hình ảnh lên mạng xã hội hẳn. Không phải tôi không muốn đăng, chỉ là tôi để ý hơn về cách mọi người nhìn mình như thế nào qua mỗi bài đăng, rồi cân đong đo đếm, rồi thấy không ổn lại thôi. Người đi làm đã lắm thứ cân nhắc lo toan, nhưng người đi làm mà còn là người nhạy cảm thì nỗi lo đó nhân lên gấp bội…
Đi làm rồi tôi mới thấy, chọn người sếp rất quan trọng. Không ai là hoàn hảo cả, sếp bạn cũng vậy. Nhưng nhất định phải xem cái tâm của người ta đặt ở đâu, cái phẩm chất của họ như thế nào. Nếu họ là người dẫn đường có tâm và có tầm, cuộc đời bạn cũng có cơ hội tốt theo. Tuy nhiên, nếu chẳng may, họ là người đạo đức kém, bạn nhất định phải đủ tỉnh táo để rời đi. Càng lậm sâu, càng sai lầm. Nguyên tắc thứ nhất trong việc chọn sếp: Chọn người tử tế. Chọn sếp giống như chọn bạn mà chơi, “mua xoài chớ lựa xoài chua, chọn sếp đừng để sếp “xua” (tan) đời mình”.
Xin mượn một câu nói của ai đó để kết bài: “Trường học khác trường đời ở chỗ, trường học dạy cho bạn những bài học rồi mới bảo bạn làm bài kiểm tra, còn trường đời bắt bạn làm kiểm tra trước rồi mới dạy cho bạn một bài học”.
Đây kỳ thực là những điều mà không chỉ riêng tôi mà tôi tin là nhiều bạn cũng đã nhận ra khi đi làm và bước ra cái trường đời. Nhưng dù biết như thế, cũng hãy lạc quan, tự tin để sống.
(Nguồn: VnExpress.net)
https://vnexpress.net/nhung-bai-hoc-o-truong-doi-4174665.html