Nhiễm vi khuẩn H.Pylori – Khi nào cần điều trị?
Hiện nay, tỉ lệ nhiễm HP trên thế giới khoảng 50%, trong khi Việt Nam là vùng có tỉ lệ nhiễm còn khá cao 70% do tập quán và điều kiện vệ sinh ăn uống. Nhiễm HP chưa được phát hiện sớm trong cộng đồng vì 85% người bị nhiễm không có triệu chứng. Sự lây nhiễm vi khuẩn này gặp ngay từ thời sơ sinh đến lúc tuổi già, càng lớn tuổi thì tỉ lệ nhiễm HP càng cao. Ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm trẻ từ 3 – 6 tuổi: 42%, trẻ dưới 15 tuổi: 36%, tuổi lớn khoảng: 70% – 80%.
Để chẩn đoán phát hiện nhiễm HP không khó với các phương tiện y khoa hiện có, tuy nhiên việc điều trị tiệt trừ HP khá phức tạp nếu như không có sự đánh giá khởi đầu tốt về tình trạng nhiễm, cũng như tuân thủ phương thức điều trị chuẩn và theo dõi của cả hai phía bác sĩ và bệnh nhân.
Trả lời câu hỏi chỉ định điều trị HP khi nào chúng ta cần xem xét các yếu tố từ thực tế lâm sàng:
Vi khuẩn HP đã được chứng minh rõ có tác hại đối với cơ thể là gây ra bệnh lý ở dạ dày, ruột kể cả những rối loạn ngoài ống tiêu hóa, thậm chí có những biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và có tỉ lệ gây ung thư dạ dày. Gần đây còn có vài báo cáo ghi nhận vi khuẩn này có liên quan đến polyp và ung thư đại tràng từ thực tế lâm sàng ở khu vực Châu Á. Không may khu vực này trong đó có Việt Nam lại ưu thế chủng HP có CagA (+) là chủng có khả năng gây ung thư dạ dày tỉ lệ cao.
Tổn thương niêm mạc dạ dày do vi khuẩn HP đa phần là viêm mãn tính, thời gian nhiễm càng lâu càng có mức độ nặng như viêm chuyển sản hay viêm teo niêm mạc, dẫn đến việc điều trị ổn định tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng sẽ khó khăn hơn, dù đã điều tri tiệt trừ HP thành công, triệu chứng dai dẳng nhiều năm tháng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng điển hình của bệnh dạ dày như đau bụng chướng hơi, ợ chua, rối loạn tiêu hóa,… chỉ có khoảng 1/3, trong khi có 1/3 là triệu chứng ngoài dạ dày như nuốt vướng, cảm giác khó thở nặng ngực, thiếu máu, dễ bị bỏ qua vì nghiêng về bệnh lý khác .
Triệu chứng rầm rộ không tỉ lệ thuận với mức độ tổn thương dạ dày được ghi nhận qua nội soi. Có khoảng 1/3 người nhiễm HP có tổn thương viêm dạ dày từ nhẹ đến nặng như viêm chợt, viêm teo, viêm chuyển sản nhưng không có triệu chứng mà chỉ được tình cờ phát hiện qua nội soi khi muốn kiểm tra vì người thân trong gia đình bị bệnh dạ dày do HP. Đa phần người bị ung thư dạ dày do HP cũng thường không có triệu chứng khi nhiễm trong thời gian dài vì vậy chưa được phát hiện để được điều trị tiệt trừ HP sớm.
Như vậy việc điều trị tiệt trừ HP khi được phát hiện dương tính luôn cần thiết, việc điều trị càng sớm thì sẽ hạn chế được những tổn hại niêm mạc dạ dày và các rối loạn khác theo thời gian do vi khuẩn này gây ra tránh được các biến chứng đáng tiếc.
Trong thực hành lâm sàng, chỉ nên làm xét nghiệm chẩn đoán HP khi có ý định điều trị diệt trừ vi khuẩn nếu kết quả xét nghiệm dương tính.
Các phương tiện để chẩn đoán nhiễm HP
Test hơi thở C13 – C14: vẫn là thử nghiệm tốt nhất để chẩn đoán nhiễm HP, có độ chính xác cao và dễ thực hiện.
Test Urea (CLO test) qua nội soi dạ dày, có giá trị chính xác tương đương, vừa khảo sát được mức độ tổn thương niêm mạc giúp người thầy thuốc có chiến lược điều trị lâu dài giải quyết ổn định bệnh và phát hiện sớm ung thư dạ dày.
Huyết thanh chẩn đoán (HP IgG) là phương pháp thứ ba thường được sử dụng như một phương pháp không xâm lấn để chẩn đoán nhiễm HP, không được dùng HP IgM do đây là nhiễm trùng mãn tính. So với hai test trên có kém chính xác hơn (âm tính giả) nhưng vẫn có giá trị chẩn đoán được sử dụng theo tình huống vì huyết thanh học là xét nghiệm duy nhất không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi cục bộ trong dạ dày có thể dẫn đến tải lượng vi khuẩn thấp cho kết quả âm tính giả của 2 xét nghiệm trên khi có sử dụng thuốc kháng sinh, kháng tiết acid, chảy máu loét hoặc ở các tổn thương tiền ác tính và ác tính.
Giá trị của xét nghiệm tìm kháng nguyên trong phân trong chẩn đoán HP tại Việt Nam hiện tại chưa đồng nhất và không cao, nên dè dặt khi phân tích kết quả.
Các trường hợp được chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán để điều trị (Hội nghị đồng thuận về chẩn đoán và điều trị HP của Hội Tiêu Hóa Việt Nam 2012).
- Rối loạn tiêu hóa.
- Tiền sử loét dạ dày tá tràng nhưng chưa từng được xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng nhiễm.
- Sau phẫu thuật để điều trị ung thư dạ dày.
- Có hình ảnh viêm DD-TT, loét DD-TT trên nội soi.
- Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ung thư dạ dày.
- Cần điều trị lâu dài với các thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid (NSAID).
- Cần điều trị aspirin lâu dài ở bệnh nhân có nguy cơ cao bị loét và biến chứng do loét DD-TT.
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản cần điều trị duy trì kéo dài bằng nhóm thuốc ức chế bơm proton.
- Thiếu máu thiếu sắt không giải thích được nguyên nhân.
- Ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
- Bệnh nhân mong muốn được điều trị (sau khi đã được thầy thuốc tư vấn).
- Nên tầm soát nhiễm HP trong gia đình bệnh nhân bị nhiễm HP đã được diệt trừ thành công nhằm hạn chế tình trạng tái lây nhiễm.
BS CKII Trần Ánh Tuyết
Giám đốc Y khoa Phòng khám đa khoa Quốc tế Yersin
Nguồn: .khoe24h.vn