Nam giới: Áp lực từ bản dạng giới và Định kiến xã hội
Chủ đề của tháng 6 của chuỗi sự kiện “Người trẻ và Giới” tập trung vào các kiến tạo về hình ảnh “Nam giới” trong xã hội. Dù được xem là đối tượng nhận được nhiều “lợi ích” từ hệ tư tưởng phụ quyền, nhưng nam giới, trong các nghiên cứu về kiến tạo xã hội về giới, đối ứng với “xương sườn” của mình – nữ giới, họ cũng được bộc lộ nhiều vấn đề “bất ổn”.
Đời sống tâm thức của người Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của tính phụ quyền từ hệ tư tưởng Nho giáo suốt bốn ngàn năm đô hộ. Hình tượng của người đàn ông được phác họa như cây tùng cây bách, với thiên nhiên hùng vĩ,… đã đặt vào họ các kỳ vọng của người dẫn dắt, và lãnh đạo từ xã hội cho đến gia đình lẫn các mối quan hệ cá nhân. Khi các nghiên cứu về giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các học thuyết vị nữ (feminism) đã lật lại nhiều những “sự thật” được xã hội kiến tạo như các hiện thực hiển nhiên; trong đó, nam giới bắt đầu được đặt lại các câu hỏi về chính họ “nam giới là (những) ai?” và “làm sao để một người nhận thức về bản thân mình là một người đàn ông (thay vì là một kiểu khác)?”, hay nói cách khác, “bản dạng của nam giới là gì?”. Và điều gì đã kiến tạo nên loại bản dạng đó. Sự khác biệt được thay bằng các nghi vấn về những đa dạng hơn là khác biệt theo các phạm trù xã hội.
Tọa đàm thu hút khá nhiều bạn trẻ là nam giới
Mở đầu buổi tọa đàm “Nam giới: Áp lực từ bản dạng giới và Định kiến xã hội”, Thạc sĩ Phù Khải Hùng trình bày khái quát về lý thuyết về giới, giới tính và một phần gợi mở về tính dục cũng như các khuynh hướng tình dục hiện hữu. Cùng những tương tác đặt câu hỏi trực quan, Thạc sĩ Khải Hùng đã dẫn dắt khán giả vào các định nghĩa về giới (gender) và giới tính (sex) vốn rất rắc rối, từ đó chỉ ra những hiểu lầm thường thấy trong đại chúng khi nhắc đến hai thuật ngữ này. Một sự nhầm lẫn phát sinh từ trong quá trình tương tác đặt câu hỏi và trả lời chính là việc trong xã hội có bao nhiêu giới. Cho đến trước những năm thập niên 1960 của thế kỷ trước, kiến thức về giới và giới tính là phổ quát; cho nên, các phân biệt cũng như phạm trù xã hội mặc định được chia theo hai nhóm này. Nhưng khi các bằng chứng y học ghi nhận sự tồn tại của người liên giới (Intersex) cùng các mơ hồ của tính dục con người, câu hỏi về việc phân biệt và xác định giới của một người dần trở nên phức tạp, đa dạng, và cần có những phản tư. Thạc sĩ Phù Khải Hùng đã lý giải hai phạm trù “giới” và “giới tính” hoàn toàn khác nhau. Việc phân biệt một người là nam hay là nữ dựa vào vẻ bề ngoài thực chất xuất phát từ quan điểm xã hội về giới (gender) hơn là dựa trên các dấu hiệu sinh học vốn dĩ không (thể) thấy được.
Những kỳ vọng của xã hội cho một người dựa trên các tiêu chuẩn về giới mở ra cuộc đối thoại về áp lực mà nam giới (theo định nghĩa giới tính sinh học) gặp phải trong xã hội, và đương nhiên, bối cảnh Việt Nam cũng tương tự. Ngay từ chính trong môi trường y tế đã có những sự phân biệt nhất định mà xã hội đã quy định cho các trẻ em khi sinh ra là minh chứng cho quá trình xã hội hóa về giới ở cá nhân. Những giới hạn từ người lớn đặt để lên trẻ nhỏ từ những tiêu chuẩn phân biệt giới: nam thì không chơi búp bê, người nữ thì ngồi mâm thấp hơn trong ngày giỗ, v.v là những ví dụ được Thạc sĩ Phù Khải Hùng đưa ra về các thực hành giới. Từ đó, khán giả tham dự đã có cái nhìn chung nhất về định nghĩa học thuật trong nghiên cứu về giới và giới tính.
Anh Đoàn Minh Chí tiếp nối phần trình bày và đưa ra những dữ liệu thực tế từ các nghiên cứu điền dã và dự án xã hội anh tham gia trong vấn đề can thiệp giới. Một dự án được anh Minh Chí nêu bật chính là dự án can thiệp giới trong lĩnh vực giao thông công cộng. Qua khảo sát dữ liệu và điền dã, nhóm nghiên cứu đã cho thấy phần lớn người sử dụng phương tiện giao thông công cộng là nữ, nhưng các vị trí quản lý và vận hành các phương tiện giao thông công cộng lại là nam. Từ đó, có những ưu tiên nhất định cho người nam trong luật pháp và chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông công cộng, tập trung vào đối tượng điều khiển và xây dựng lên hệ thống, thay vì là người thụ hưởng nó. Thậm chí, định kiến về giới cũng được thể hiện trong quá trình bất tuân hợp tác giữa nhóm lao động nam, đẩy các hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới sang cho nhóm công đoàn, vốn bao gồm nhiều nhân viên nữ hơn, và xem việc điều chỉnh các chính sách đảm bảo sự dung hợp và bình đẳng giới trong việc sử dụng phương tiện công cộng là điều không cần thiết. Nhóm nghiên cứu của anh Đoàn Minh Chí đã phải có những biện pháp thuyết phục khác nhau để nhóm lao động nam giới nhận thấy những thực trạng của việc khuôn mẫu hóa về giới trong lĩnh vực giao thông công cộng. Một kết luận tạm được đưa ra trong phần trình bày chính là khoảng cách từ lý thuyết đi vào thực tế.
Anh Đoàn Minh Chí nhiệt tình trả lời các câu hỏi của khách tham dự
Trong hai môi trường tiếp theo mà anh Chí là người đang hoạt động là gia đình và giáo dục cũng phát sinh những khuôn mẫu về giới. Bản thân là một người con sinh trưởng trong gia đình nhiều thành viên nam hơn là nữ, sau đó học tập trong lớp nhiều nữ hơn là nam, anh Chí đã trải qua quá trình bị các nhóm trong xã hội khuôn mẫu dựa trên tiêu chuẩn giới. Khi sinh con, anh gặp phải vấn đề về phân định giới cho trẻ sơ sinh bằng ký hiệu màu sắc: khăn hồng cho con gái và khăn xanh cho con trai. Trong quá trình triển khai chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp ba lên đại học, anh cũng nhận thấy những kỳ vọng mang định kiến giới cũng thể hiện từ nhóm phụ huynh cho đến các bạn học sinh. Có những nhóm nghề bị xã hội mặc định chỉ dành cho nữ giới và cộng đồng LGBTQI+ và những nhóm nghề dành cho nam giới riêng biệt.
Từ những nghiên cứu, hiểu biết, và kinh nghiệm của mình, anh Chí đã hỗ trợ tư vấn những trường hợp cụ thể để các bạn học sinh có thể xem xét thêm các công việc mình yêu thích mà không chịu ảnh hưởng của áp lực và khuôn mẫu giới. Một kết luận nữa sau phần trình bày được anh Chí đưa ra chính là việc thiếu nguồn thông tin tiếp cận về vấn đề quyền con người. Giải pháp anh đề xuất là gia tăng việc giáo dục về quyền con người từ các đối tượng học sinh để các em hiểu thêm về vai trò của bình đẳng giới, những định kiến giới và các giải pháp hữu hiệu cho các trường hợp cụ thể.
Tọa đàm tiếp tục với phần đặt câu hỏi từ khán giả tham dự chương trình. Rất thú vị, rất nhiều người tham dự nam – chủ thể nhắm đến của thảo luận – đã tích cực đặt các câu hỏi khá thú vị. Các câu hỏi đặt ra xoay quanh vấn đề mà các khán giả gặp phải cũng như mong muốn được nghe thêm về lý do theo đuổi định hướng nghiên cứu về giới và giới tính. Các diễn giả đã trả lời các câu hỏi của khán giả cũng như mở rộng các vấn đề được trình bày trước đó. Một khán giả tâm sự việc bị khuôn mẫu hóa giới trong môi trường công ty truyền thông quảng cáo. Khán giả chia sẻ bản thân là người nam dị tính, bạn bị đồng nghiệp nhìn nhận như một người đồng tính nam khi đối xử “tử tế” với các đồng nghiệp nữ trong cơ quan.
ThS. Phù Khải Hùng chia sẻ tại tọa đàm
Về vấn đề này, Thạc sĩ Phù Khải Hùng chia sẻ là một phạm trù lớn và cần một (hay vài) buổi tọa đàm nữa về các vấn đề tính dục cũng như các định kiến tình dục mới có thể bao quát. Nhưng anh Hùng cũng đưa ra quan điểm rằng: Mỗi người sẽ có những định kiến nhất định do quá trình xã hội hóa cá nhân. Nhưng ta có thể khắc phục được chúng bằng việc quan sát và chia sẻ một cách tôn trọng khi giao tiếp với mọi người. Thêm nữa, nếu ta có nhìn nhận nhầm giới của một người, ta có thể cởi mở tiếp thu ý kiến, sửa chữa cũng như lan tỏa những kiến thức đúng về giới và giới tính cho những người xung quanh, giảm tải áp lực về khuôn mẫu giới, nhất là với người nam trong các môi trường công sở hoặc các môi trường tính nam độc hại vẫn còn xuất hiện nhiều.
Một người tham dự đặt câu hỏi về việc định kiến giới hay khuôn mẫu giới có lợi ích gì hay không. Theo anh Đoàn Minh Chí, thông thường xã hội đang hiểu định kiến giới hay khuôn mẫu giới là những điều tiêu cực, những ảnh hưởng không tốt đến một giới nhất định. Tuy nhiên, nếu hiểu rộng ra, thoáng hơn vì sự hình thành định kiến giới hay khuôn mẫu giới ban đầu là có ý định tốt, muốn bảo vệ giới nữ. Ví dụ cụ thể, giới nữ được xem là “yếu thế” hơn giới nam và khi sử dụng xe buýt có một số ưu tiên nhất định như: nhường ghế, xe được bố trí các ghế có tay nắm, dễ dàng thuận lợi khi đi xe buýt…
Chính vì những định kiến người phụ nữ, trẻ em gái cần được bảo vệ, chăm sóc và ưu tiên do có nhiều điểm hạn chế hơn nam giới. Tuy nhiên, có những lúc nam giới cũng cần được hỗ trợ như lúc ốm đau, bệnh tật cũng cần ưu tiên ghế ngồi hay những vị trí lên xuống xe buýt thuận lợi hơn… Vì vậy, thay vì định kiến giới nữ là “yếu thế” thì ta nên có những lời trao đổi, hỗ trợ trước khi ra quyết định hỗ trợ và tìm các phương án trợ giúp phù hợp nhất. Vì trong nhiều trường hơp khác, phụ nữ không cần hỗ trợ mà vẫn sử dụng xe buýt một cách hiệu quả.
Một người tham dự chia sẻ thêm về một câu chuyện: khi một nhân vật trong game Liên minh có ngoại hình “chuẩn men” với cơ bắp cuồn cuộn, râu tóc bù xù…, nhưng sau đó nhân vật này công khai giới tính là “gay” làm cộng đồng game thủ khá shock, thì liệu điều đó nói lên gì? Theo anh Chí, chuyện này khá bình thường, vì xã hội đều mặc định người nam phải mạnh mẽ và có hình tượng từ ngoại hình, tóc, quần áo đều phải “chuẩn men”, xã hội không chấp nhận vì điều đó là định kiến giới trong xã hội đã tồn tại từ rất lâu đời. Đặc biệt là đây là thể loại game đánh nhau, người chơi thể hiện sức mạnh, bản lĩnh nam giới…
Tuy nhiên, phải đáng khen vì nhân vật này dám nói lên giới tính thật và chứng minh với cộng đồng, giới tính không quyết định điều gì cả. Mọi giới điều có thể làm được và thành công hơn nếu người đó thật sự muốn làm. Anh Chí nhấn mạnh, hiện tại xã hội đã cởi mở, bao dung và ghi nhận đóng góp của mọi giới và không còn là nhị nguyên giới (Nam/Nữ). Mà tùy vào sở thích, điều kiện và các nguồn lực cụ thể, sự đa dạng giới sẽ cống hiến tốt hơn cho xã hội. Anh mong muốn những rào cản, áp lực của Nam giới cũng như những giới tính khác được phá bỏ, để cùng chung hướng đến đóng góp cho sự phát triển của xã hội và đất nước Việt Nam.
Về diễn giả:
– ThS. Phù Khải Hùng: thạc sĩ chuyên ngành Nhân học, hiện là nghiên cứu viên Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và là giảng viên thỉnh giảng của các trường Đại học Hoa Sen, Đại học Văn Lang, Đại học KHXH&NV – ĐHQG-HCM, Đại học Quản lý và Công nghệ TP. HCM. Lĩnh vực nghiên cứu chính của anh là giới và tính dục, sức khỏe cộng đồng, diễn ngôn và văn hóa.
– Anh Đoàn Minh Chí: là chuyên viên Hội đồng học sinh Trường WellSpring Sài Gòn. Năm 2018: Quản lý truyền thông dự án “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái – TP. Hồ Chí Minh” trong lĩnh vực Giao thông công cộng; dự án “Bình Đẳng Giới và Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” trong lĩnh vực giao thông công cộng; sản phẩm “Hành trình xe buýt màu cam an toàn” với chủ đề “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em”. Năm 2024: Mentor cho dự án “Định hướng nghề nhằm trao quyền giới” ngành giáo dục.
Về chuỗi sự kiện “Người trẻ và Giới”: Chuỗi sự kiện booktour “Người trẻ và giới” do NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức, bao gồm nhiều hoạt động đa dạng (có học thuật chuyên sâu lẫn phổ cập kiến thức), như bài giảng công cộng, bàn tròn thảo luận và không gian tương tác giữa các bạn trẻ, học sinh, sinh viên với chuyên gia về các vấn đề giới và nữ quyền đang được quan tâm hiện nay. Các bạn sẽ được nói lên các trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội để tất cả cùng nhau tìm ra câu trả lời. Ngoài ra, chuỗi chương trình mong muốn góp phần thúc đẩy sự trao đổi và thực hành về bình đẳng giới, ủng hộ văn hóa đọc trong người trẻ cũng như độc giả trên toàn quốc.
Tọa đàm: “Nam giới: Áp lực từ bản dạng giới và Định kiến xã hội”
Diễn giả khách mời:
– ThS. Phù Khải Hùng, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ
– Anh Đoàn Minh Chí, Chuyên viên Hội đồng học sinh Trường WellSpring Sài Gòn
Đơn vị tổ chức: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam
Thời gian: 9h – 11h, thứ Bảy 29/6/2024
Địa điểm: Cà phê Văn Khoa (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, P. Bến Nghé, Q.1)
Đối tượng tham dự: Học sinh, sinh viên, bạn trẻ và người quan tâm, yêu thích văn hóa, các vấn đề xã hội liên quan đến giới và giới tính…