“Lời nguyền” gái miền Tây – Gông xiềng từ miệng thế gian

“Lời nguyền” gái miền Tây – Gông xiềng từ miệng thế gian

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, Ngô Tú Ngân không chỉ hiểu mà còn rất thấm thía với những “lời nguyền” của các cô gái xứ phù sa.

Tác giả Ngô Tú Ngân từng viết một bài báo với tiêu đề ‘Lời nguyền’ gái miền Tây đăng trên báo VnExpress vào năm 2019 và nhận được rất nhiều sự đồng cảm của độc giả về định kiến ăn sâu vào đầu mỗi người khi nhắc đến con gái miền Tây như “toàn làm bia ôm”, “đi mát-xa tận nước ngoài mà vẫn gặp gái miền Tây”…

Ngân là con gái miền Tây chính hiệu, cô đã lớn lên trong hàng hàng lớp lớp những quan điểm, rằng con gái thì cần gì đi học, học nhiều rồi cũng ở nhà lo bếp núc, con gái là phải kiếm tiền trả ơn cha mẹ, lo cho gia đình, phải theo lời ba mẹ. Nếu có đứa con gái nào làm khác đi, cả xóm sẽ xầm xì bàn tán, rằng con đó bất hiếu, vô dụng, cha mẹ nó vô phúc. Thậm chí, chính người thân cũng góp phần bạo hành tinh thần đối với con gái trong nhà khi liên tục đòi hỏi chúng phải làm cái này cái kia hoặc so sánh với con hàng xóm. Tất cả những điều đó lần nữa được tác giả khắc hoạ một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn trong “Lời nguyền gái miền Tây” do Thái Hà Books xuất bản.

“Lời nguyền gái miền Tây” là chuỗi những câu chuyện về thân phận người phụ nữ ở mảnh đất Đèn Dầu. Họ không được chọn nơi mình sinh ra và cũng chẳng thể quyết định bản thân sẽ sống như thế nào, nhiều lần cứ tưởng đã “khổ tận cam lai” thì ai ngờ đời người lại biến đổi biển dâu. Những phận đời ngỡ đã dừng lại sự cơ cực thì bỗng rơi vào một cái “khuôn” như một “lời nguyền” gì đó cứ thường hằng không đổi. Số phận buồn tại mảnh đất Đèn Dầu vẫn hằng ngày lặp lại dù bằng những cách khác nhau nhưng kết quả dường như chỉ có một, thậm chí ở thế hệ mới, sự đau khổ có khi còn nhiều hơn trước gấp vạn lần. Điển hình chính là cuộc đời Thắm, người phụ nữ duy nhất tìm được cái chữ, nhưng cuối cùng vẫn không thể thoát khỏi “lời nguyền” sau sự ra đi của bà ngoại.

Liệu rồi Thắm có “sống” lại theo đúng sự mong đợi của bản thân và bà ngoại nó ngày trước? Hay nó cũng giống như những thân phận phụ nữ khác bị “dìm chết” không chỉ bởi sự khốn khổ cùng kiệt ở cái xứ miền Tây nghèo khó mà còn từ cách con người đối đãi với nhau?

Bui Nhi
Author: Bui Nhi

CLB Phụ nữ hiện đại