“Là Thương” – Tự truyện ông thầy không bục giảng Lê Duy Niệm

“Là Thương” – Tự truyện ông thầy không bục giảng Lê Duy Niệm

Là thương – Tự truyện ông thầy không bục giảng Lê Duy Niệm là cuốn tự truyện của một ông giáo khởi đầu nghiệp gõ đầu trẻ từ một làng quê hẻo lánh ở Bạc Liêu. Bất ngờ gặp “sự cố” nghề nghiệp, ông buộc phải rời bục giảng rồi lênh đênh nổi trôi lên Sài Gòn. 13 năm sau, ông giáo đã trở về với đàn em thân yêu trong vai trò giáo viên quản nhiệm. Ông chăm sóc đời sống nội trú cho học sinh ở một trường tư thục tại thành phố Hồ Chí Minh thật trọn vẹn, lòng vẫn nhớ thương về Bạc Liêu xứ mình.

Tác phẩm tự truyện do tác giả Quách Trọng Trà – một học trò của thầy Lê Duy Niệm – chấp bút trong những tháng ngày cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19. Những góp nhặt ký ức về cuộc đời giáo Niệm dần trở nên rõ ràng, liền mạch, tạo thành một bức tranh với nhiều mảng màu; trang viết về cuộc đời nhiều thăng trầm của ông giáo Niệm từng bước được hình thành đã gói trọn hành trình 40 năm dạy học, sống và yêu thương đong đầy trong trái tim ông giáo từ làng quê bước ra phố thị.

Lần về những tháng ngày đất nước sau thống nhất, khi 18 tuổi, vừa xong bậc phổ thông, chàng trai Lê Duy Niệm trở thành giáo làng tại một trường cấp 2 ở Bàu Sàng – một xã hẻo lánh của xứ Bạc Liêu. Suốt 3 năm đi dạy đầu tiên của đời giáo Niệm, thầy và trò hồn nhiên yêu đời, trong trẻo tình người, truyền dạy cho nhau những bài học về tình yêu cuộc sống, về những giá trị nhân văn như những trang cổ tích mà ông giáo Lê Duy Niệm vẫn hằng ngày đọc cho các em học sinh nghe vào cuối mỗi tiết học.

Ông giáo thi đậu Trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh, tốt nghiệp, được giữ lại trường, rồi trở thành giáo viên chính thức. Sau đó ông giáo về công tác tại trường chuyên Bạc Liêu. Nhưng xảy ra sự cố, ông lên Sài Gòn lập nghiệp. Hoang mang, lo lắng, tràn ngập ưu tư đằng đẵng 13 năm trời… Rồi duyên may đã đến. Ông được mời làm giáo viên quản nhiệm ở một trường dân lập bán trú. Từ đây ông trở thành “ông bố quốc dân”, “chúa tể lầu 6” và đặc biệt gắn với biệt danh “Má Niệm”.

Hơn 40 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen, với đàn em thơ ngây trong trắng, tâm hồn thầy giáo Lê Duy Niệm vẫn hồn nhiên, tràn đầy một tình yêu thương không bao giờ vơi cạn.  Trong lời giới thiệu sách, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải nhận xét: “Ông gặp mấy lần kỷ luật, day dứt nhớ nghề, nhớ học trò, nhớ miền quê, với bao tình yêu tôn kính để hôm nay, trong ngày nhìn lại một đời, bỗng thấy tràn ngập yêu thương kỳ diệu…”.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu sách Là thương – Tự truyện ông thầy không bục giảng Lê Duy Niệm của tác giả Lê Duy Niệm – Quách Trọng Trà, để chia sẻ về chân dung một người thầy cũng như quan niệm về nghề giáo của ông trong suốt nhiều thập niên.

Tự truyện gồm 4 chương:

Chương 1. Thầy giáo làng, kể về thời thơ ấu của thầy Lê Duy Niệm thời chiến, gia đình vắng đàn ông nên phụ nữ phải gồng gánh nuôi đàn con thơ. Tuy tuổi thơ cơ cực nơi miền Trung đầy nắng gió nhưng chàng trai Lê Duy Niệm đã lớn lên với tâm hồn mộng mơ, với những suy tư về cha mẹ với sự biết ơn rất mực. Sau đó, gia đình của thầy phải rời quê, chuyển đến Bạc Liêu sinh sống. 18 tuổi bắt đầu đời giáo.

Chương 2. Lênh đênh đời giáo, chương này, điểm rơi ở sự cố đề thi khiến tác giả phải rời bỏ gia đình ở Bạc Liêu lên Sài Gòn lập nghiệp. Giai đoạn này trong cuộc đời ông giáo gắn liền với Trường chuyên Bạc Liêu, ngôi trường với những ký ức một thời đằm sâu vẫn còn đọng lại trong tác giả đến hôm nay…

Chương 3. Má Niệm, chương này giọng văn thay đổi trẻ trung hơn, nhiều tinh nghịch hơn, khi kể về quãng thời gian giáo Niệm làm quản giáo ở trường nội trú TVK. Ngôi nhà mới đã để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm, một đàn con gọi ông là “má Niệm”, nhưng cũng ở nơi này, một lần nữa ông trải qua bi kịch. Sự cố này tiếp tục là bài học để ông ngẫm về nghề thầy của mình, và ngẫm về nhân tình thế thái.

Chương 4. Chúng ta là một gia đình, kể về những tình cảm người thầy góp nhặt trong suốt cuộc đời đầy trắc trở của mình, đó là tình cảm từ người thân trong gia đình và tình cảm từ học trò – giờ đây ông xem là anh em, người bạn, tri kỷ, không còn là những thằng con ngây ngô năm nào nữa.

Câu chuyện về một ông giáo bình thường, dung dị như bao ông giáo khác nhưng vẫn mênh mang sâu lắng những chuyện đời, chuyện học đường, chuyện nhân tình thế thái… Bởi xét cho cùng, cuộc đời ông giáo luôn gắn với hai chữ YÊU THƯƠNG, với tình người, tình đất.

 Về văn phong, bạn đọc cảm nhận được chất giọng tâm tình, thủ thỉ – chứ không phải kể lể – của người viết. Qua từng trang viết, bạn đọc sẽ cảm nhận được tình người nồng ấm “dù câu văn không choang choang từ ngữ” lộng lẫy…

Là thương – Tự truyện ông thầy không bục giảng Lê Duy Niệm xuất bản nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đoạn trích tiêu biểu:

“… Thế hệ chúng tôi đã trải qua một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước. Với tâm hồn non dại, tôi đã có những ngơ ngác, ngỡ ngàng trước những đổi thay và biến động xã hội. Rồi trong những thăng trầm nghề nghiệp và cuộc sống riêng mình, tôi cũng nhiều phen nguy khốn. Nhưng ơn trời, qua bao biến cố, tôi vẫn giữ được nét thơ ngây của một người nhiều mơ mộng. Đôi mắt dù mờ bụi thời gian nhưng đã trong xanh trở lại, đôi môi nhiều ngày héo hắt đã nở nụ cười an nhiên khi tôi được trở về một thuở êm đềm, một thời thanh xuân tươi đẹp nhất của đời mình. Dẫu không ít lần, tôi cảm thấy tuyệt vọng, thấy mình tan nát niềm tin…

Tự truyện này như một món quà tôi tự thưởng cho mình để được trọn vẹn trở về miền ký ức đậm đà tình người, tình đất nơi tôi sinh ra, lớn lên, rồi trưởng thành và nếm trải những vị ngọt đắng cuộc đời…”

Bui Nhi
Author: Bui Nhi

CLB Phụ nữ hiện đại