Hạt giống rau mầm bán trôi nổi
Những ngày qua, chúng tôi liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng sử dụng chất bảo quản độc hại trong hạt giống rau mầm. Từ thông tin của bạn đọc, PV tìm hiểu thực hư sự việc. Được biết, trên thị trường hiện có bán hai loại hạt giống rau, đó là hạt giống trồng cây rau và hạt giống ươm mầm rau. Đối với các cơ sở hạt giống uy tín, hạt giống ươm mầm thường ít sử dụng hóa chất bảo quản còn hạt giống trồng cây đều được ngâm xử lý bằng thuốc bảo quản để giúp cây trồng có thể chống chọi bệnh tật, sinh trưởng mạnh. Tuy nhiên, vì số lượng hạt giống mầm được nhiều người dân ưa chuộng, mang lại lợi nhuận cao nên các đầu mối lái buôn đã nhập rất nhiều hạt giống mầm tẩm hóa chất về bày bán khiến cho tình trạng hạt giống mầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường rất nhiều.
PV khảo sát thị trường bán hạt giống rau mầm tại TP.HCM. Theo đó, từ các khu chợ lớn, nhỏ lẻ đến các vựa hạt giống rau, đều bày bán rất nhiều hạt giống không nhãn mác, bao bì. Chạy dọc theo khu đường Cộng Hòa – Trường Chinh (Q.Tân Bình) đến khu đường 3/2 (Q.10), không ít nơi bày bán rất nhiều hạt giống rau mầm. Khu vực chợ Đầu Mối (Q.Thủ Đức, TP.HCM) được mệnh danh là một trong những “thủ phủ” của loại hạt này. Chỉ trên con đường kéo dài hơn 200m, có đến cả chục cửa hiệu. Thậm chí, nhiều loại hạt còn được bày bán ngay trên lề đường. Tại một cửa hàng nhỏ, có đến hàng trăm loại được bày bán trong tủ kính, trên nền đất cũng chất đống những bao tải lớn nghi chứa hạt. Trên kệ gỗ ngoài cửa tiệm là vô số chai, lọ đựng các loại hạt nhưng không hề có thông tin nguồn gốc, nhãn mác,… Khi PV thắc mắc, chủ quán trấn an: “Đảm bảo mà, hàng này bao bì đàng hoàng, nhưng khui ra đựng trong chai cho nó đẹp, vẫn dùng vô tư…”.
Trong vai người muốn mua hạt giống mầm về bán, PV liên hệ với một đầu nậu tên N. tại khu vực Chợ Lớn (TP.HCM). Được biết, đầu nậu này chuyên cung cấp các loại hàng từ hạt giống hoa cho tới hạt giống rau mầm cho các đại lý. Khi PV bày tỏ muốn mua số lượng lớn về bán, N. “nổ”: “Hạt giống này đã được tẩm các chất bảo quản vô cùng đặc biệt, có thể bảo quản thời gian rất lâu dài mà không bị mốc, hư hạt”. Sau khi trao đổi, N. đưa cho chúng tôi số điện thoại 098478… và nói: “Muốn lấy số lượng lớn bao nhiêu cũng được, khi nào cần cứ gọi cho em…”.
Cẩn trọng với chất bảo quản chứa Clo
Đem một số hạt giống mầm mua được tại một cơ sở bán lẻ tại khu Chợ Lớn về nhờ một trung tâm kiểm định, chúng tôi được biết, một trong số các hạt giống mầm bày bán trên thị trường chứa hàm lượng Clo khá cao. Theo các chuyên gia kiểm định an toàn thực phẩm, nếu nguyên tố Clo chứa nhiều trong sản phẩm, chứng tỏ sản phẩm này đã chứa một số chất bảo quản như Monito, DDT, Benzoat, Axít boric,… và một số chất bảo quản nhập lậu từ Trung Quốc đã bị cấm sử dụng do sử dụng hàm lượng độc tố cao, khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, các loại chất này lại có công dụng rất hiệu quả trong việc tiêu diệt sâu bọ, nấm, nên vẫn được nhiều người sử dụng làm chất bảo quản trong các loại cây trồng, rau củ quả và hạt giống.
PGS.TS Phan Thị Sửu (Giám đốc trung tâm Kỹ thuật an toàn thực phẩm) từng có nghiên cứu cho thấy, thuốc bảo vệ thực vật nào có chứa Clo khi phun cho rau quả, hạt sẽ ngăn ngừa được hỏng, thối, nấm mốc,… Tuy nhiên, sau đó chúng sẽ tạo thành hợp chất Perexit rất độc hại cho người sử dụng. Bản thân các chất này không mùi, không vị nên rất khó phát hiện. Ngoài ra các hợp chất của thuốc bảo vệ thực vật còn chứa Phốt pho (hợp chất lân hữu cơ) rất độc hại với hệ thần kinh và cơ quan nội tạng của động vật và con người. Khi con người ăn phải các loại rau quả có chứa các hoá chất độc hại này, thì cơ thể không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá, mà các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống,… lâu dần gây nên nhiều bệnh tật nguy hiểm cho con người như: Đãng trí, giảm thị lực và giảm sức đề kháng,…
Ông Đặng Ngọc Hùng (Giám đốc trung tâm Rau mầm Việt) phân tích: “Hạt giống dùng để trồng rau mầm thường được con người sử dụng ăn sống, ăn liền nên phải đảm bảo đầy đủ yếu tố tiên quyết là không được sử dụng chất bảo quản độc hại, còn hạt giống dùng trồng cây vẫn có thể dùng chất bảo quản. Người dân rất ít khi phân biệt rạch ròi giữa hai loại hạt giống này. Họ cứ nghĩ có hạt rồi thì thích lên cây hay làm mầm đều được. Nhưng trên thực tế không được dùng hạt giống đã tẩm hay trộn thuốc bảo quản làm rau mầm. Lý do là khoảng thời gian từ khi gieo hạt đến thành mầm, thu hoạch để bán hoặc ăn là rất ngắn, chỉ khoảng 4 – 6 ngày. Ngoài ra, rau mầm được gieo với mật độ rất dày (các hạt gần như sát nhau) và chỉ tưới nước trong những khay kín, không có nước thải ra. Vì vậy độ đậm đặc của thuốc bảo quản vẫn còn trên hạt giống là rất lớn. Trong khi đó, các loại thuốc bảo quản cũng phải có thời gian phân hủy nhất định. Chính vì thế, người dân muốn ăn rau mầm tự trồng thì phải đến các cơ sở bán hạt giống rau mầm uy tín mua về sử dụng để đảm bảo chất lượng”.
|
Theo Võ Thái – Dương Hạnh/nguoiduatin.vn