GS.TS. Huỳnh Văn Sơn: Cân bằng tâm lý trong mùa dịch, hãy bắt đầu bằng nội tại
Việc mất cân bằng trong mùa dịch của học sinh, sinh viên xuất phát từ những diễn tiến của đời sống tâm lý của con người và nhất là người trẻ: học sinh, sinh viên. Chương trình giao lưu trực tuyến do GS.TS. Huỳnh Văn Sơn thực hiện đã chạm đúng những nhu cầu thiết thực của sinh viên, học sinh trên toàn quốc. Những ghi nhận từ buổi giao lưu trực tuyến cho thấy có nhiều cái nhất: Số lượng học sinh, sinh viên đông nhất trong 1 livestream với diễn giả tâm lý học: gần 50.000 người xem; số câu hỏi gửi về nhờ tư vấn: nhiều nhất – 600 câu; diễn giả GS trẻ và có duyên nhất… Từ góc độ ghi nhận, Tâm An đã có cuộc giao lưu, trò chuyện ngắn cùng với GS.TS. Huỳnh Văn Sơn ngay sau 75 phút của chương trình giao lưu…
Thấy khó chịu: Phản ứng bình thường của tâm lý – Đừng làm căng
–Thưa GS.TS Huỳnh Văn Sơn, trong và sau khi thực hiện cách ly xã hội, nhiều người lại cảm thấy khó chịu, đặc biệt là những bạn học sinh, sinh viên?
-GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Điều này có thể hiểu đơn giản chính là sự thích ứng. Khi con người đã quen với một nhịp sống gì đó và bỗng dưng phải thay đổi, tâm lý phản kháng sẽ xuất hiện. Thậm chí, có những thay đổi vốn được cho là “tốt”, như một người bỗng dưng trúng số, đổi đời, họ lại không quen và cảm thấy khó chịu với nhịp sống. Đặc biệt đối với những bạn trẻ khi họ vốn có những điều kiện nhất định để phát triển, chưa từng trải nghiệm những quy định như phải ở nhà – không ra ngoài, không tụ tập đông người, vệ sinh bản thân an toàn… một cách triệt để và có sự thống nhất cao từ xã hội nên dễ cảm thấy nặng nề và bứt rứt. Với những học sinh cuối cấp, các em như “ngồi trên đống lửa” vì lo lắng đến thời khắc quan trọng của cuộc đời nhưng dịch bệnh vẫn cố tình làm khó… Tất cả làm cho HS, SV không thoải mái như một hệ quả về mặt đời sống tinh thần.
–Trong thực tế cho thấy có vẫn có khá nhiều bạn cảm thấy rất thoải mái. Dưới góc độ tâm lý, điều này được giải thích thế nào?
-GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Mỗi cá thể đều có một cách phản ứng với những tác động khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm nhân cách, đặc điểm giáo dục, gia đình,… Có những người thuộc dạng hướng nội, ngày thường vốn đã quen với những hoạt động mang tính đơn lẻ, ít giao tiếp, giao lưu với bạn bè. Họ sẽ dễ dàng thích nghi ngay với những ngày cách ly xã hội như “cá gặp nước”. Trong khi đó, những bạn hướng ngoại lại thích đi đó đi đây, về nhà chỉ để nghỉ ngơi, sáng sớm thức dậy lại ngay lập tức bước ra khỏi cửa, nên chưa thể quen với nhịp sống “chậm” này.
Điều quan trong xin nhấn mạnh đó chính là sự suy nghĩ, cảm xúc từ thế giới nội tại. Nếu nhận ra thực hiện những điều trong mùa dịch, ngay những ngày không còn cách ly xã hội vì mình, vì người thân, vì mục tiêu chung của xã hội thì không nên cố tìm cảm xúc cá nhân khó chịu để khai thác, để làm cho chính mình bực bội thêm, để chia sẻ nó nhằm tìm sự tương thích… Đây là vấn đề mang tính nội tâm, xuất phát từ thế giới nội tại của con người cần được bản thân mình điều tiết…
Không đi ra ngoài, hãy đi vào trong
– Có nhiều nhận định cho rằng: Cách ly xã hội vừa qua là cơ hội để bạn “sống chậm” và hiểu về bản thân hơn. Vậy các bạn trẻ có thể làm những cách nào để làm điều này?
-GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Có một chân lý rất giản đơn: Không thể đi ra ngoài, vậy hãy tận dụng thời gian này để đi vào trong. Ở nhịp sống hối hả thường ngày, xoay vần với những buổi học, đi làm, hoàn thành bài tập, chuẩn bị cho kỳ thi,… vậy thì những ngày cách ly vừa qua, chỉ quanh quẩn trong căn nhà thân thương của mình, bạn sẽ có thời gian chiêm nghiệm về bản thân nhiều hơn. Đã bao lâu rồi bạn chưa trò chuyện với chính mình? Đã bao lâu rồi bạn quên mất trong tâm trí của chúng ta cũng cần được chăm sóc? Học cách viết nhật ký, viết ra những cảm nhận về bản thân, trò chuyện và hỏi thăm những người thân thiết về mình,… Từ đó, bạn sẽ có một bản vẽ mới khá rõ ràng và cụ thể về chân dung cá nhân. Kết quả này vừa giúp bạn trấn tĩnh, vừa là điểm xuất phát để bạn xác định những mục tiêu quan trọng, rất cần thiết và ý nghĩa trong cuộc đời.
Đối với học sinh THPT, đây là nhiệm vụ rất cấp bách, vì nếu bạn chỉ lo học sao để thi đỗ vào một trường nào đó nhưng không chắc mình có phù hợp hay không, nghề đó có là cuộc đời của mình hay không… sẽ rất uổng phí thời gian, tiền bạc và công sức.
–Theo chuyên gia, làm sao để các bạn cảm thấy những ngày cách ly xã hội vừa qua cũng như một vài tuần sắp tới sẽ nhẹ nhàng hơn?
-GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Không thể phủ nhận việc cách ly xã hội cũng đã giới hạn một số cách thức giải trí, hoạt động thể dục thể thao của các bạn… và làm cho sự mất cân bằng xuất hiện. Tuy nhiên, các bạn có thể sử dụng nhận thức của mình để điều chỉnh và tái lập sự cân bằng là điều cần thiết. Tập trung vào những điểm tích cực và nhìn nhận những điều được và có thay vì chỉ mất: tiết kiệm tiền, chăm sóc gia đình, có thêm thời gian nghỉ ngơi,… Đặc biệt, đây cũng là dịp để các bạn đánh giá vè rèn luyện thêm cách tự quản lý thời gian, lên kế hoạch cho những mục tiêu của mình. Điều cần thiết nhìn nhận đó là chúng ta đang thực hiện trách nhiệm của một công dân, đóng góp sức mình và đồng lòng cùng Chính phủ và thế giới chống lại đại dịch Corona. Trong một vài tuân còn lại, cũng cần có thái độ cảnh giác dù chúng ta đã bỏ cách ly xã hội. Hãy chuẩn bị thích ứng học đường song song việc học tập từ xa có ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục thực hiện các yêu cầu bảo vệ bản thân và người thân trong mùa dịch, khai thác một số hoạt động phù hợp – an toàn trong điều kiện mới, mỗi người sẽ cảm thấy cân bằng hơn. Quan trọng nhất, suy nghĩ nội tại về tâm lý vẫn là khi thay đổi góc nhìn, sự cân bằng đến với chính chúng ta.
“Có những người mất đi ở tuổi 25, nhưng đến 75 tuổi mới được chôn cất” – Câu nói quen thuộc ám chỉ việc người trẻ dần mất đi mục đích sống, dần quên mất ý nghĩa vì sao mình được sinh ra trên cõi đời này. Họ chú trọng và vun đắp những mối quan hệ xung quanh, nhưng lại quên mất mình cần thấu hiểu chính bản thân trước. Chuỗi nội dung về nguyên tắc cân bằng tâm lý nói chung và các biện pháp cụ thể để cân bằng tâm lý cho học sinh, sinh viên mà GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ là một công cụ cần thiết cho bạn trẻ. Chắc chắn, những vấn đề này, cần được khai thác và vận dụng vì đời sống tinh thần của người trẻ hiện nay rất đáng được quan tâm và chăm sóc.
– Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ quý giá của Giáo sư!