Đừng coi thường cơn đau ngang qua

Đừng coi thường cơn đau ngang qua
Bất kì lúc nào chúng ta cũng có thể bị những cơn đau “thăm hỏi” như một cú va vào chân bàn, một cú cốc đầu, nhưng đáng kể nhất vẫn là những cơn đau bệnh.

…Đa phần, khi gặp những cơn đau bệnh phải “gõ cửa” bác sĩ, còn lại, ta có thể xử lí cơn đau tại nhà, với điều kiện hiểu rõ về chúng.

* Giải phẫu cơn đau

Cơn đau mang sứ mệnh sinh tồn, nó là tiếng kẻng báo động ta phải loại bỏ tác nhân gây đau, chẳng hạn phủi một con kiến lửa đang cắn, qua đó, đau giúp ta có kinh nghiệm, tránh xa tổ kiến lửa. Đường đi của cơn đau phức tạp, bắt đầu từ các thụ thể rải khắp cơ thể để tiếp nhận tác nhân gây đau, gửi đến tủy sống – não bộ, sau đó mệnh lệnh được gửi ngược về để xử lí, đơn cử như việc điều động tay búng con kiến đi.

* Đau đâu bệnh đó

Cách nhận biết cơn đau số một là dựa vào vị trí. Hầu hết đau ở đâu thì chỗ đó có vấn đề. Cơn đau ngực trái cảnh báo quả tim có chuyện, đau dưới sườn phải là lời kêu khổ của lá gan… Tuy vậy, có một số cơn đau chơi khăm, đau ở chỗ này nhưng bệnh lại nằm chỗ khác. Nếu biết sơ giải phẫu học cơ thể, ta có thể đọc vị cơn đau sơ bộ để tạm chẩn bệnh chỗ nào có bệnh.

* Đau đầy kiểu cách

Ta thường nghe các kiểu đau như đau nhói, đau dao đâm, đau từng cơn, đau bóp chặt… Đây cũng là chỉ điểm lợi hại giúp phân định nhân thân bệnh tật. Đình đám là kiểu đau từng cơn sinh ra từ những luồng nhu động ruột cố đẩy tác nhân gây hại ra khỏi đường ruột, màn giới thiệu kinh điển đau bụng, tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Cơn đau như có ai bóp nghẹt trong ngực mô tả tắt mạch vành tiên khởi cơn đau tim…

* Đau lang thang

Đa phần cơn đau “đặt đâu ngồi đó” nhưng có nhiều cơn đau lang thang, có khi rất xa nơi khởi sự. Lộ trình đau thần kinh tọa bắt đầu từ thắt lưng, đến mông, đùi và tận bàn chân. Cơn đau tim có khi chạy rong lên xuống vai, cổ, cánh tay, bàn tay…

* Đau có hội có thuyền

Ít có cơn đau cô độc mà thường chúng sẽ kéo bè với các triệu chứng khác. Cơn đau nhu động ruột hội cùng chứng tiêu chảy thì chắc chắn là ngộ độc. “Combo” đau + sưng + nóng + đỏ + khó vận động là lời giới thiệu rõ như ban ngày của vấn đề khớp, xương…

* Đau tâm lí

Cơn đau không hề do va chạm, con gì cắn và đi khám bệnh nát nước không tìm ra “lục phủ ngũ tạng” có bệnh, sẽ được xếp vào nhóm đau tâm lí. Những cơn đau này hay bị gán những cái tên kì bí như cơn đau ma, đau cõi trên…

* Thuốc giảm đau

Song hành với đau thì thuốc giảm đau. Chỉ một viên thuốc là hầu hết cơn đau được giải quyết nhưng đằng sau đó lại lắm rối rắm, có khi người ta không nguy vì cơn đau mà nguy vì viên thuốc giảm đau. Có hàng tá loại thuốc giảm đau nhưng chung quy chúng được chia hai nhóm:

* Thuốc không kê đơn:

Có thể mua ở nhà thuốc, thường dùng khống chế cơn đau nhẹ như đau đầu, sốt, cảm, cúm, viêm khớp, đau răng, đau bụng kinh… Nhóm này có hai đại diện là acetaminophen và giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID- Aspirin, Naproxen, Ibuprofen….). Trong đó acetaminophen (paracetamol, panadol…) là cái tên đình đám hơn cả bởi tính phổ dụng lẫn nguy hiểm
khó lường.

* Thuốc có kê đơn:

Loại chuyên, mạnh hơn, nhiều tính xấu hơn, nên phải được bác sĩ gật đầu bằng văn bản mới được mua. Đó là Morphine, Oxycodone, Codeine, Hydrocodone…

* Thuốc giảm đau – chết người như chơi

Nhiều người xem thuốc giảm đau, nhất là loại không kê đơn, là thuốc an toàn, có thể dùng bao nhiêu cũng được. Đây là suy nghĩ chết người. Thuốc giảm đau hay bất kì loại thuốc nào, đều phải qua tay gan, thận để thải ra ngoài. Dùng sai chỉ dẫn, sai liều có thể khiến hai cơ quan trọng yếu này thọ thương từ suy đến hoại tử gan, thận, có khi phải ghép gan, trầm trọng nhất là tử vong. Tiêu biểu là những vụ ngộ độc Acetaminophen do nóng lòng giảm đau nhanh, do dùng cùng lúc nhiều loại thuốc có chất này. Bằng chứng nổi tiếng khác là việc lạm dụng thuốc giảm đau NSAID gây xuất huyết dạ dày…

Nguồn: muctim.com.vn

http://teen360.muctim.com.vn/view/Dung_coi_thuong_con_dau_ngang_qua-56530.html

Hanh Ngoc
Author: Hanh Ngoc

.

CLB Phụ nữ hiện đại