Đi gặp mùa xuân: Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Suốt chặng đường hoằng pháp 65 năm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã góp phần quan trọng vào công trình làm mới đạo Bụt cho thế kỷ 21; chuyển hóa đạo Bụt (Phật) tín mộ, thuật thành đạo Bụt của tuệ giác, thực nghiệm sinh động và luôn tự mình làm mới.
Trên con hoằng pháp, sự có mặt của Thiền sư, tuy thầm lặng, nhưng đã làm cho cả triệu đệ tử của người từ khắp năm châu hướng về cội nguồn đạo Bụt với sự duy trì kết nối, gắn kết sâu sắc với gốc rễ tâm linh ở Việt Nam. Bằng chính cuộc đời mình, Thầy đã dạy mọi người ôm ấp được cả những nghịch cảnh lớn lao nhất bằng lòng can đảm và tâm từ bi, sự có mặt đích thực chính ta là món quà quý nhất mà ta hiến tặng cho những người mà ta yêu thương. Và hình ảnh chặng đường ấy, đã được Tăng thân Làng Mai tái hiện thông qua tựa sách “Đi gặp mùa xuân: Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh”
“Đi gặp mùa xuân: Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh”
Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Mùa xuân, hoa mai luôn là hình ảnh gợi nhắc về Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Con đường Thầy đi luôn hướng tới mùa xuân, mùa tuôn dậy của đất trời và đạo Bụt.
Câu chuyện vào năm 1966, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rời quê hương để đi vận động hòa bình, bởi vì chiến tranh Việt Nam vào lúc đó đã đến giai đoạn khốc liệt.
Trước khi đi, Thầy về Huế để từ biệt Sư Ông. Thầy xin đi xuất ngoại, ít nhất là ba tháng để vận động dư luận thế giới, tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Và đó là lần cuối cùng Thầy được gặp Sư Ông Thanh Quý. Trước khi Thầy đi, Sư Ông đã ban cho thầy bài kệ truyền đăng: “Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành/Hành đương vô niệm diệc vô tranh/ Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể/ Diệu pháp Đông Tây khả tự thành. Sau này, Thầy có đổi vài chữ trong bản dịch này thành: “Đi gặp mùa Xuân, bước kiện hành/ Đi trong vô niệm với vô tranh/ Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể/ Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành.”. Bài kệ này chính là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo của Thầy.
Và cũng ngày trước tại nơi đây, ngày xuất gia và được thọ giới sa di, Thầy được trao pháp tự là Phùng Xuân. Phùng Xuân nghĩa là gặp mùa xuân. Và “Phùng Xuân” là một từ để đối lại với từ Khô Mộc. Khô Mộc tức là cây khô. Giọt nước cam lồ của bồ tát Quan Thế Âm một khi rưới lên cây khô, cây khô đó biến thành một mùa xuân mới.
Sáu mươi lăm năm hoằng pháp
Trong một nghiên cứu hàn lâm gần đây của John Powers với tựa đề The Buddhist World, Thầy được chọn là một trong 10 nhà lãnh đạo tâm linh có tầm ảnh hưởng lớn lao, nổi bật nhất trong lịch sử đạo Phật, dựa trên tầm ảnh hưởng của Thầy đối với nền Phật giáo đương đại trên toàn cầu. Các pháp môn thực tập chánh niệm cùng với mô hình khóa tu của Thầy – được phát triển dựa trên chính kinh nghiệm trực tiếp và tuệ giác của Thầy – đã được hàng trăm ngàn người từ khắp các châu lục, mọi tầng lớp xã hội học hỏi và thực tập. Chỉ riêng nước Mỹ, sách của Thầy đã được bán trên 3 triệu quyển và 10 triệu quyển trên toàn thế giới.
Có thể nói sức mạnh, sự đa dạng và sức sống của tăng thân quốc tế mà Thầy đã dày công tạo dựng chính là di sản vĩ đại nhất mà Thầy để lại cho cuộc đời. Hạnh nguyện và niềm hy vọng của Thầy vẫn đang tiếp nối bởi tăng thân mà Thầy luôn tin cậy. Tăng thân vẫn đang tiếp tục công trình làm mới và đem đạo Bụt đi vào cuộc đời trong mọi hoàn cảnh mà Thầy đã trao truyền. Sự kế thừa và phát triển những pháp môn mới ngày càng thích ứng với thời đại của chúng ta.
Trong những năm cuối, thấy các thiền sinh quyến luyến, có nhiều người còn khóc khi sắp xa Thầy, Thầy thường an ủi mọi người rằng mỗi khi thở một hơi thở hay bước đi có ý thức là người ấy đang có Thầy bên cạnh. Bằng sự thực tập, mỗi người sẽ nuôi dưỡng và nhìn thấy sự hiện hữu của Thầy trong mình.
Trong sáu năm hoằng pháp, dù trong thời kỳ nào, Thầy cũng luôn cống hiến một hướng đi của Phật giáo phù hợp với thời đại. Thầy mang những tuệ giác trong kho tàng của đạo Bụt truyền thống kết hợp với những yếu tố tâm lý học, khoa học, sinh thái học, đạo đức học và giáo dục của phương Tây để giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân gây sợ hãi, bạo động, đàn áp, bất công và tàn hoại môi trường; đồng thời chỉ ra một hướng đi cho gia đình nhân loại để có thể tiếp xúc với bình an, hòa giải và hạnh phúc đích thực.
Vầng trăng ấy chưa bao giờ ngừng chiếu sáng. Chúng ta cùng nhau mỉm cười chào Thầy và chắp tay tiếp nhận những gia tài tâm linh mà Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã truyền trao. Tựa sách “Đi gặp mùa xuân: Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh” sẽ như thước phim để độc giả nhìn lại chặng đời tu học và hành đạo của Người. Một mùa xuân tuôn dậy, thầy đi trong thầm lặng và chánh niệm.