Chuyên gia Tập huấn Kỹ năng Pitching cho InnogreenLife tại trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
Nâng cao kỹ năng pitching chính là chìa khóa giúp startup tự tin tỏa sáng và thuyết phục Ban giám khảo. Hiểu được điều đó, Ban tổ chức InnogreenLife đã mời đến các chuyên gia nhằm tập huấn đào tạo Kỹ năng xây dựng Pitch Deck và thuyết trình gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp.
Cuộc thi Đổi mới sáng tạo cho cuộc sống XANH – INNOGREENLIFE là cuộc thi nhằm thúc đẩy các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp; các ý tưởng, sản phẩm đột phá trong nghiên cứu có thể mang lại sự chuyển mình cho xã hội và môi trường sống. Các ý tưởng, sản phẩm xoay quanh các chủ đề về tạo một không gian xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, lương thực, tài nguyên và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, điển hình như: Iuh Reward – dự án quản lý và tối ưu hóa quy trình xét duyệt và khen thưởng; Trà Soda Đường Dừa Nước; Handover – Phát triển ứng dụng mua bán sản phẩm thời trang cũ kết hợp gợi ý phối quần áo; Tàu Tự hành Amv – Ngư Trường không người lái; Máy sấy năng lượng Mặt trời công nghệ hiệu ứng nhà kính cấp bổ sung nhiệt bằng sóng siêu âm…
Nhằm giúp các các dự án nâng cao kỹ năng pitching, thuyết phục Ban giám khảo, BTC InnogreenLife đã mời đến các chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam và chuyên gia Võ Thị Mỹ Duyên tập huấn đào tạo Kỹ năng xây dựng Pitch Deck và thuyết trình gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp.
Các đội thi sinh viên trường Đại học Công Nghiệp TPHCM (IUH) tham gia tập huấn kỹ năng đào tạo Kỹ năng xây dựng và trình bày dự án khởi nghiệp
Bạn Trần Thị Hiền, đại diện dự án tạo ra vật liệu tương lai từ Nanocellulose chiết suất từ phế phẩm nông nghiệp “vỏ sầu riêng” cho biết, đội thi mong muốn ra cơ hội kinh doanh và phát triển các sản phẩm ứng dụng Nanocellulose, tạo việc làm mới từ khâu thu gom, sản xuất đến ứng dụng sản phẩm. Nanocellulose được xem là vật liệu mang tính cách mạng khi có thể ứng dụng trong nhiều thiết bị như màn hình dẻo cho điện thoại, pin có thể uốn cong, áo giáp siêu bền và siêu nhẹ, những chiếc xe nhẹ và nhanh hơn,…
Tuy nhiên, theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – trainer của top 10 đội thi cho biết: “Điểm mạnh của các bạn sinh viên IUH là hoàn thiện rất tốt sản phẩm, được cố vấn và đảm bảo chất lượng sản phẩm từ đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Nhưng để đưa được sản phẩm thực tế ra thị trường thì cần rất nhiều khâu liên quan đến kinh doanh, đội ngũ, tài chính,… mà các bạn phải bồi dưỡng thêm”. Với kinh nghiệm là chuyên gia thường xuyên chia sẻ về khởi nghiệp trên các báo, đài; trainer và mentor cho nhiều đội thi đạt giải khởi nghiệp hàng đầu tại các trường Đại học lớn trên cả nước, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam cũng đánh giá cao các sản phẩm mang tính phát triển bền vững tại cuộc thi.
PGS. TS. Bùi Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cùng BTC và các đội thi chụp hình với hai chuyên gia
Phát biểu tại chương trình, PGS. TS. Bùi Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết: “Tất cả các kỹ năng như marketing, xây dựng và trình bày dự án, kỹ thuật,… sẽ được hướng dẫn đầy đủ và chi tiết từ những chuyên gia mà Nhà trường đã chọn lọc kỹ càng. Thầy hy vọng rằng các đội có mặt hôm nay sẽ học hỏi từ những chia sẻ đó và kết cấu, tổ chức lại đội ngũ của mình thật chỉnh chu, đạt được kết quả tốt nhất tại Vòng chung kết sau hai tuần nữa”.
Bà Võ Thị Mỹ Duyên – Đại sứ Talent Generation (thuộc UNESCO-CEP), Co-Founder & Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK, Founder SFVN tập huấn kỹ năng thuyết trình thuyết phục nhà đầu tư cho sinh viên IUH
Nhận thấy hiện trạng thực phẩm dễ bị nguội trong quá trình vận chuyển làm giảm trải nghiệm người dùng, đồng thời mong muốn giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, nhóm sinh viên Khoa Công nghệ Nhiệt – Lạnh đã phát triển thiết bị thùng giữ nhiệt và cấp nhiệt không phát thải tuần hoàn từ nhiệt thải của động cơ xe, giúp thức ăn luôn được giữ nóng trong suốt quá trình vận chuyển. Bà Võ Thị Mỹ Duyên – trainer kỹ năng thuyết trình và sân khấu cho thí sinh khi gọi vốn đưa ra lời khuyên cho nhóm: “Cần nhận định rõ đây là cuộc thi khởi nghiệp, không phải một cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Vì vậy các yếu tố về người tiêu dùng, phân khúc khách hàng, kế hoạch kinh doanh,… phải được phát triển theo sát chất lượng sản phẩm”.
Bà Võ Thị Mỹ Duyên hiện đang là Đại sứ Talent Generation (thuộc Trung tâm UNESCO Văn hóa Giáo dục & Đào tạo, UNESCO-CEP), Thành viên sáng lập và Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK (top 20 dự án khởi nghiệp Quốc gia), Founder Hành trình Khởi lửa Hành trang SFVN, nữ KOL trong top các diễn giả nổi tiếng tại Việt Nam và thường xuyên chia sẻ về Hành trang Gen Z, các kỹ năng thuyết trình, gọi vốn trên nhiều báo đài như VOV, VOH, BPTV,…
Với chuyên môn Thạc sĩ Quản lý Giáo dục, Diễn giả Áo Dài Võ Thị Mỹ Duyên cũng đã góp ý nhiều khía cạnh về mặt kiểm soát chất lượng cho Irecom – dự án phần mềm kết nối giữa người tìm việc, người sử dụng nhân lực và nơi đào tạo hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là giải pháp góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người trẻ trong xã hội ngày nay.
Các đội thi sinh viên trường Đại học Công Nghiệp TPHCM (IUH) tham gia tập huấn kỹ năng đào tạo Kỹ năng xây dựng và trình bày dự án khởi nghiệp
Nhận xét về cuộc thi, Thạc sĩ Thái Duy Tùng, giảng viên Viện Tài chính Kế toán, phụ trách hoạt động đào tạo cho các dự án tham gia cuộc thi cho biết: “Hoạt động đào tạo, hỗ trợ dự án khởi nghiệp được nhà trường quan tâm trong nhiều năm qua. Hàng năm, trường dành ngân sách lên tới 2 tỷ đồng để tài trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên, cũng như tổ chức các cuộc thi, các khóa đào tạo giúp sinh viên hình thành, phát huy tư duy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nhân. Với cuộc thi năm nay, chúng tôi đánh giá cao các dự án mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, góp phần định vị vai trò và hình ảnh của nhà trường trong mối quan hệ cộng sinh với các cộng đồng địa phương, hướng tới cuộc sống xanh và bền vững”.
Bạn Nguyễn Hoàng Kha, đại diện dự án Syrup Gừng và các sản phẩm từ phế phẩm sau sơ chế cảm thấy rất biết ơn BTC cuộc thi vì đã kết nối với hai chuyên gia hàng đầu tập huấn kỹ năng thuyết trình gọi vốn và xây dựng Pitch Deck hoàn chỉnh. Kha cũng cho biết thông qua góp ý từ hai trainer, nhóm sẽ cải tiến sản phẩm phù hợp với Gen Z hơn, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Các sản phẩm sẽ được thiết kế đa dạng như trữ trong lọ thủy tinh 180ml hoặc túi thơm, với nhiều công dụng như: hỗ trợ hệ tiêu hóa, cảm; giảm triệu chứng say xe; giảm các cơn đau quặn do hành kinh; ấm họng và giảm ho; dễ ngủ;…
PGS. TS. Bùi Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cùng BTC và các đội thi chụp hình với hai chuyên gia
Việc bảo quản thủy sản đánh bắt xa bờ theo cách làm truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế, làm mất đi sự tươi ngon và giảm giá trị kinh tế của thủy sản Việt Nam. Trước thực trạng này, nhóm sinh viên IUH đã mang đến dự án IMAKE – sản xuất đá sệt trực tiếp từ nước biển, giúp làm lạnh và bảo quản hải sản tươi sống ngay trên tàu sau khi đánh bắt, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng hải sản, thúc đẩy phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản của đất nước. Từ phần pitching thử của các dự án trong buổi tập huấn, bà Võ Thị Mỹ Duyên cũng mong muốn các dự án sẽ chú trọng hơn trong việc định vị và xây dựng thương hiệu cá nhân, đây vốn là một trong những điều vô cùng cần thiết của các nhà sáng lập.
Kết thúc buổi tập huấn, Tiến sĩ Phạm Trần Bích Thuận – Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, trường Đại học Công nghiệp TPHCM – đại diện BTC gửi lời cảm ơn đến hai chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam và Võ Thị Mỹ Duyên đã truyền lửa và góp ý hoàn thiện hơn cho các dự án của sinh viên IUH. Với sự ham học hỏi và tinh thần khởi nghiệp, chúc cho các dự án sẽ có phần chuẩn bị thật kỹ lưỡng và đạt được kết quả tốt nhất cho Vòng chung kết cuộc thi InnogreenLife.