Chương trình Hòa nhạc và biểu diễn Nghệ thuật “Bài Ca Không Quên” để lại ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu và tầng lớp nhân dân
Tối ngày 22/12/2024, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, chương trình Hòa nhạc và biểu diễn Nghệ thuật “Bài Ca Không Quên” đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu và tầng lớp nhân dân.
Đây là một sự kiện đầy ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024). Với chủ đề “Vì nhân dân quên mình,” chương trình không chỉ là “bữa tiệc” nghệ thuật đặc sắc, mà còn tái hiện một cách sống động và ý nghĩa lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam cũng như của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hành trình lịch sử 80 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Sau nhiều năm tổ chức tại Hà Nội, chương trình “Bài Ca Không Quên” đã lần đầu tiên ra mắt khán giả TP.HCM, đánh dấu một bước thay đổi đáng nhớ của chương trình. Với hình thức hòa nhạc giao hưởng – thính phòng nhưng lại được tổ chức ngoài trời, giữa không gian mở chính là một thử thách lớn đối với ekip thực hiện. Độ khó trong bố trí sân khấu, thiết lập hệ thống âm thanh dành cho biểu diễn với hàng trăm nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng – thính phòng đòi hòi các lực lượng tổ chức thực hiện phải nỗ lực gấp nhiều lần để hoàn thành chương trình, đạt chất lượng nghệ thuật ở đẳng cấp cao, phục vụ hàng ngàn khán giả tại hiện trường và hàng triệu khán giả theo dõi qua kênh VTV1, VTV9, QPVN, HTV, hàng chục kênh truyền hình tiếp sóng cùng lúc và khán giả theo dõi qua các nền tảng số.
Chương trình được kết cấu thành ba chương: “Tổ Quốc Trong Tim”, “Bài Ca Không Quên,” và “Vì Nhân Dân Quên Mình.” Mỗi chương được hình thành từ những ca khúc bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Những ca khúc cách mạng ca ngợi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” với những phẩm chất cao đẹp “Vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân hy sinh”, khái quát cả một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng, đầy máu lửa, hy sinh, mất mát nhưng vô cùng vinh quang của cả dân tộc để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, thống nhất non sông,… Đó cũng là lời tri ân gửi đến các anh hùng liệt sĩ, những người lính đã cống hiến máu xương, hy sinh cả thanh xuân vì độc lập và hòa bình của dân tộc.
Hàng loạt tiết mục nghệ thuật đặc sắc được trình bày bởi những nghệ sĩ tài năng, khắc họa trọn vẹn tinh thần lịch sử và cách mạng của dân tộc Việt Nam. Mở đầu là nhạc cảnh “Lời Thề Non Sông” do nhạc trưởng Lê Ha My cùng dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng trình diễn đã tái hiện lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1941. Tiếp nối, “Chiến Sĩ Việt Nam” và “Đoàn Vệ Quốc Quân” được biểu diễn bởi nhóm ca nam 135, NSƯT Phạm Thế Vĩ, hợp xướng SG Choir và các nhóm múa, mang đến không khí hào hùng của những ngày đầu kháng chiến.
Các giai điệu quen thuộc của những ca khúc cách mạng, qua bàn tay tài hoa của những nhạc công và nghệ sĩ, đã được chuyển soạn một cách đầy sáng tạo cho piano, violon, cello, bộ gõ, dàn kèn đồng và dàn hợp xướng với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ. Âm nhạc trở thành cầu nối mạnh mẽ, tái hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ Vệ Quốc quân, Vệ Quốc đoàn năm xưa. Từng nốt nhạc như khắc họa hình ảnh kiên cường của những người đã cống hiến tuổi xuân và máu xương cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Những âm thanh vang vọng từ sân khấu chạm đến trái tim người nghe, tạo nên sợi dây liên kết sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy trong lòng mỗi người niềm tự hào và trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Điểm nhấn đặc biệt là màn trình diễn cuối cùng là Liên khúc “Tiến Bước Dưới Quân Kỳ” và “Vì Nhân Dân Quên Mình,” kết hợp ánh sáng rực rỡ với sự góp mặt của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, chiến sĩ tạo nên một chương trình đầy ấn tượng.