Biến ngôi nhà tuổi thơ thành homestay hút khách, ông chủ Bà Đất tâm sự: Từ bỏ cũng là kỹ năng phải học, muốn khác biệt cần có tính bản địa

Biến ngôi nhà tuổi thơ thành homestay hút khách, ông chủ Bà Đất tâm sự: Từ bỏ cũng là kỹ năng phải học, muốn khác biệt cần có tính bản địa

Giấc mơ du học không thành, anh Nguyễn Đình Hiếu quyết định ở lại quê nhà, xây dựng và gắn bó gần một thập kỷ với eco-homestay mang tên Bà Đất. Lấy cảm hứng từ chính người mẹ của mình, ông chủ khẳng định Bà Đất sẽ chỉ có một và duy nhất, giống như một “di sản” biểu tượng cho tinh thần trở về và lối sống thân thiện với thiên nhiên.

Bà Đất Homestay là một eco-homestay tại Đồng Nai, nằm ngay gần hồ thủy điện Trị An, cách Sài Gòn chừng 70 km. Điều khiến du khách ấn tượng, yêu thích và thậm chí quay lại nhiều lần không chỉ là không gian chan hòa với thiên nhiên mà còn xuất phát từ chính những con người nơi đây.

Nhà sáng lập – anh Nguyễn Đình Hiếu và mẹ của mình – nhân vật tạo cảm hứng cho cái tên Bà Đất, cùng các chị gái trực tiếp đón khách, nấu ăn, giao lưu, không phân biệt tuổi tác hay ngôn ngữ. Từ văn hóa chào hỏi đến những bữa cơm ấm cúng, ăn cùng giờ, ngồi cùng chiếu như một gia đình đã trở thành nét đặc sắc riêng mà hiếm homestay nào có được.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với anh Nguyễn Đình Hiếu, lắng nghe những câu chuyện đằng sau hành trình gần một thập kỷ gắn bó với Bà Đất Homestay và nhiều bài học kinh nghiệm dành cho ai đang và sẽ dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh này hay bắt đầu cho hành trình khởi nghiệp nói chung.

Trượt học bổng du học, về làm homestay

* Trước khi kinh doanh homestay, anh từng làm kiểm lâm? Phải chăng tình yêu với thiên nhiên là nguồn cảm hứng để anh chọn mô hình eco-homestay?

Không hẳn là kiểm lâm nhưng trước kia tôi có thời gian làm việc trong khu bảo tồn, công việc luôn gắn với du lịch sinh thái, với rừng và di tích, đi rừng khá nhiều. Ngày ấy, vì không trúng tuyển học bổng du học Úc nên tôi ngồi tĩnh lại, suy nghĩ xem có nguồn lực gì trong tay, để bắt đầu làm một thứ gì đó. Nhưng lúc ấy tôi chẳng có gì cả.

Nhớ đến những lần các người bạn nước ngoài đến nhà chơi, ban đầu chỉ để học tiếng Anh nhưng họ rất thích thú với ngôi nhà của mình. Tôi nảy ra ý tưởng rằng tại sao không làm homestay ngay tại đây. Rồi khi tìm hiểu về những mô hình bền vững như chia sẻ sinh kế với người dân, giữ gìn văn hóa hay phát triển tiềm năng bản địa,… dần dần tôi có nhiều kiến thức hơn.

Anh Nguyễn Đình Hiếu – founder Bà Đất Homestay.

May mắn là xung quanh nhà đã có nhiều cây trồng, vốn là yếu tố rất quan trọng của eco-homestay. Nhưng “eco” không đơn thuần chỉ có cây xanh mà phải xuất phát từ chính trong con người mình như sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế tiêu dùng, hạn chế xả rác.

Lúc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có sự thấu hiểu và đồng thuận của gia đình. Mọi người đã quen với những hành vi cũ, muốn thay đổi cần có thời gian. Bây giờ thì bà và các chị đã cải thiện nhiều rồi, đi chợ hạn chế mang túi nilon, cầm giỏ hay sử dụng mẹt, lá chuối dành cho khách ăn sáng, ăn đồ nướng,…

* Vậy là homestay được xây dựng ngay từ chính ngôi nhà của anh?

Khi cảm thấy những điều đơn giản có thể mang đến hạnh phúc, bạn sẽ không cần tiêu xài hay sở hữu quá nhiều, hạn chế nhu cầu và từ đó biết trân trọng tự nhiên.

Đúng vậy. Nhà của tôi có diện tích rất khiêm tốn, khoảng 2 sào thôi. Tôi cũng muốn tối đa các hoạt động của du khách hướng đến không gian bên ngoài, có thể đi bộ trong làng hay ra hồ, chạy bộ,…

Tôi không làm khu du lịch sinh thái quá rộng. Thứ nhất, chúng ta sẽ phải đầu tư rất nhiều, đôi khi bị áp lực về mặt tài chính mà mất đi định hướng của mình. Thứ hai tôi muốn mọi người đi ra ngoài để kết nối với thiên nhiên, tìm niềm vui từ những điều đời thường, tiếp xúc với cộng đồng bản xứ, có những cái chạm về mặt cảm xúc đa dạng, thú vị hơn. Những thứ đó chúng ta không phải trả tiền mà có sẵn. Khi cảm thấy những điều đơn giản này có thể mang đến hạnh phúc thì bạn sẽ không cần tiêu xài hay sở hữu quá nhiều, hạn chế nhu cầu và từ đó biết trân trọng tự nhiên.

* Anh dành toàn thời gian cho homestay Bà Đất, hay đây chỉ là công việc part-time của anh?

Mới đầu tôi có sắp xếp, cố gắng làm 2 việc một thời gian. Tuy nhiên sau đó tôi nhận ra rằng khi tập trung 100% nguồn lực mà còn chưa nên thân, lời ít lỗ nhiều thì sao có thể làm hai hay nhiều việc cùng lúc.

Điều đó cũng dạy cho tôi cách tập trung, đừng nghĩ rằng làm cho nhiều bên rồi mỗi bên hưởng một ít. Vì xuất phát của mình từ chuyên môn cho đến kinh nghiệm đều chưa có nên khi dùng 100% nguồn lực thì may ra, tôi nói may ra, mới có những thành quả ban đầu.

* Dồn hết nguồn lực cho một việc, đó phải chăng là quyết định “được ăn cả, ngã về không”?

Thực ra khi biết quá nhiều, nắm trong tay quá nhiều thứ thì con người lại đối mặt với nhiều nỗi sợ lớn hơn. Nào là không có kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh hay không biết về chuyên môn, vì sợ mà chưa chắc đã làm. Còn tôi lúc ấy không có gì trong tay nên cũng chẳng có gì để sợ, cứ làm thôi, vừa làm vừa học.

Có những người phù hợp với việc lên kế hoạch, có người được học bài bản rồi mới làm nhưng cũng có những người như tôi, phải vừa học vừa thực chiến, tìm kiếm chính mình và ngày càng trưởng thành hơn, hiểu mình, hiểu người hơn. Tuy nhiên, nếu có ai đó hỗ trợ, đồng hành, giúp đỡ mình thì con đường sẽ bớt gian nan hơn, hạn chế những sai lầm.

* Anh vừa nói đến những người đồng hành, vậy suốt quá trình khởi sự, bên cạnh anh có người đồng hành nào không?

Tôi nghĩ những người đồng hành bên mình chính là gia đình. Ban đầu gia đình không hiểu tôi làm homestay là gì, cũng phản đối nhưng không quá kịch liệt. Mẹ tôi dù không hiểu nhưng thấy con trai muốn thì cứ cho làm. Các chị gái thì thấy mình cực quá, không mang được tiền về ngay như bán mớ rau, con cá ngoài chợ, dù phản đối kịch liệt mà vẫn giúp đỡ. Tôi xem đó là may mắn và coi họ như những người thầy đầu tiên của mình.

Với tôi, chẳng cần phải dạy về kế hoạch hay chiến lược kinh doanh, chỉ cần không ngăn cản mình thì đã là một sự giúp đỡ rồi. Dần dần, nhiều khách hàng đến thăm, thấy mô hình homestay độc đáo mà cũng động viên, giúp đỡ. Có người giúp làm tài chính, bảng tính giá, kế hoạch kinh doanh,… khiến tôi cũng học được rất nhiều, vỡ ra và buộc phải thay đổi, từ bỏ nhiều điều.

Từ bỏ cũng là một kỹ năng mà bạn phải học. Đôi khi chúng ta cứ quá đắm đuối vào mô hình, hay lậm vào chữ “đam mê” nhưng thiếu chuyên môn, không có tư duy thay đổi và đón nhận, không biết đường hướng tương lai thì càng tiêu tốn thêm nguồn lực.

Từ chuồng heo thành homestay hút khách

* Phải từ bỏ và thay đổi không ít lần, hẳn Bà Đất Homestay hiện tại và 9 năm trước cũng rất khác nhau?

Rất khác. Hồi xưa, nhà cũ của Bà Đất là một chuồng heo, do gia đình tôi là người Bắc di cư vào, bố tôi làm mô hình VAC (vườn ao chuồng, một mô hình kinh tế kinh điển của Việt nam). Nhà không có nền gạch đẹp như bây giờ, đối diện là nhà cấp 4 rất lụp xụp. Mỗi lần trời mưa, mẹ tôi phải chạy ra ngoài vì sợ nó sập.

Sau đó, anh chị em trong gia đình dồn lực để xây nhà kiên cố hơn. Trong quá trình ấy tôi cũng gặp phải nhiều xung đột. Mọi người không thích ở nhà sàn, kiểu mây tre nứa lá nữa vì nó đã gắn với cả cuộc đời rồi, nhìn là thấy khó khăn thiếu thốn nên muốn xây bê tông kiên cố. Nhưng eco-homestay thì lại không thể dùng bê bê tông quá nhiều mà cần tính toán các vật liệu, thiết kế một cách hài hoà.

May mắn là tôi có một số vị khách làm kiến trúc sư. Tôi nhờ bạn ấy nói chuyện, thuyết phục gia đình và hỗ trợ thiết kế để tiết kiệm chi phí mà cấu trúc không gian không bị phá vỡ.

* Theo anh, bên cạnh không gian, đâu là những điểm “key” giúp tạo nên một eco-homestay hút khách?

Theo tôi còn tùy vào định hướng của mỗi người khi họ bắt đầu mô hình. Tất cả sẽ quay lại câu chuyện giữa lợi nhuận, chi phí mà thôi. Nhưng với homestay thì có những đặc thù riêng. Khi Airbnb bắt đầu bùng nổ, mọi người nghĩ làm homestay rất đơn giản. Nhiều bạn trẻ nghỉ việc, thuê nhà này nhà kia, trang trí lại, thế là thành homestay. Nhưng đối với tôi, homestay – đặc biệt là eco-homestay phải có chất riêng của người nhà, của gia đình đó, phải có câu chuyện riêng của điểm đến, có sự tương tác, kết nối,… Bạn được ăn uống, ngủ nghỉ, mọi thứ đều thân mật như một thành viên trong gia đình. Tôi gọi những điều đó là tính bản địa.

Với những mô hình nhỏ như Bà Đất, để vận hành hiệu quả thì ngoài các yếu tố về kinh doanh, tính bản địa và văn hóa gia đình là yếu tố then chốt khiến homestay trở nên khác biệt.

* Đón cả khách nước ngoài, vậy bà và các chị có gặp khó trong việc giao tiếp, tương tác và kết nối với họ?

Có một câu chuyện vui từng xảy ra thế này. Hôm đó có khách nước ngoài nhưng tôi đi vắng, chị gái ở gần đến nấu cơm rồi về, chỉ có bà ở nhà. Theo thông lệ, ăn tối xong mọi người sẽ lên nhà sàn ngủ nghỉ. Vì không nói được tiếng Anh nên bà úp hai bàn tay vào nhau, đặt lên má rồi chỉ lên gác, ý nói phòng ngủ ở trên đó. Nhưng các bạn khách nước ngoài lại hiểu ý bà nói đã đến giờ đi ngủ, liền ăn vội ăn vàng, dọn dẹp rồi chạy lên, tắt điện đi ngủ luôn.

Câu chuyện khiến chúng tôi dở khóc dở cười. Cũng từ đó mà thấy rằng dù khó khăn nhưng bằng này hay cách khác, chúng ta đểu có thể thể tìm ra cách giải quyết.

Còn các chị gái của tôi, vốn sống ở nông thôn nên có phần tự ti. Đây là điều tôi cảm thấy rất đáng tiếc. Chúng ta hay được đi đây đi đó, học cái này, trải nghiệm cái kia và trở nên tự tin hơn. Còn những vùng quê khi xuất hiện trên truyền thông thường gắn với hình ảnh nghèo khó, khiến người dân ở nông thôn xem đó như một điều không hạnh phúc và khép mình lại, ngại giao tiếp. Trong khi họ có những kỹ năng lao động rất giỏi mà không nhận ra. Tôi đã phải kiên nhẫn và mất rất nhiều thời gian thuyết phục, động viên, chia sẻ nhưng vẫn khó để bỏ cái vỏ bọc, hay suy nghĩ định kiến về thế giới xung quanh.

Vậy mà cứ dần dần, nhiều du khách đến nói chuyện, tỉ tê với các chị, khiến các chị tự tin hơn, nhận ra rằng mình cũng có những vẻ đẹp nội tại riêng. Mọi người cứ thế mở lòng ra, không cần quan tâm là phải biết tiếng Anh. Đôi khi chuyên nghiệp cũng có hai mặt, sự tự nhiên không còn mà chỉ là một nụ cười công nghiệp. Tôi muốn để mọi người là chính mình. Tuy nhiên những vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn nói lịch sự, sạch sẽ,… thì vẫn cần tuân thủ, thế là đủ rồi.

Bà Đất chỉ có một và duy nhất

* Bà là người quan trọng tạo nên phần hồn cho homestay, nhưng anh đã từng suy nghĩ đến việc một ngày bà hay các chị không còn đủ khỏe mạnh để gắn bó với công việc này? Đây liệu có phải điểm bất lợi của mô hình?

Ta cứ coi đó như là cái duyên thôi, có biến cố gì thì đó là trong thời tương lai. Nhưng xét về quản trị, tôi vẫn phải tính đến. Trước đây, khi bắt đầu làm homestay, tôi luôn luôn nói về mình. Vì thế mà mọi người đến Bà Đất chỉ hỏi về Hiếu, mà Hiếu thì chỉ có một.

Rồi tôi thay đổi, nói nhiều hơn về nếp nhà, bữa cơm, về bà, về các cháu, cây cỏ, thiên nhiên. Tôi đưa tất cả mọi người vào câu chuyện để tạo nên sự tiếp nối và đồng thời giúp bất kỳ ai cũng có thể tìm lại mình qua những điều đó. Ngay cả khi Bà Đất không còn nữa thì tôi nghĩ rằng cũng đã để lại được một “di sản” nhỏ, chính là việc đã có người tiên phong cho sự trở về, tiên phong cho lối sống thân thiện với thiên nhiên. Như vậy là đủ rồi, không cần quá tham. Sau này nếu muốn thì tôi sẽ phát triển một mô hình khác, kiểu khác, còn Bà Đất thì chỉ có một và duy nhất.

* Vậy việc phân chia thu nhập với người nhà có khó hơn so với thuê nhân viên không?

Tôi rất tách bạch giữa công việc và gia đình. Mỗi tuần, mỗi tháng hay khi có chương trình nào đều tụ tập mọi người lại, họp bàn với nhau về công việc, chứ không đặt chuyện gia đình vào đây. Về thu nhập hay chi phí, tôi đều có các đầu lương phù hợp với từng công việc. Nếu không rõ ràng thì không thể bền vững, lâu dài được.

* Được biết anh còn tổ chức các hoạt động như trekking, jungle biking, đi bộ xuyên rừng hay chèo Sup trên hồ Trị An như một hình thức tăng thêm giá trị cho du khách và gọi là team bonding. Vậy hình thức này khác gì với team building?

Team building có nghĩa là xây dựng đội ngũ, còn team bonding nói đến sự kết nối, gắn kết đội nhóm. Cũng giống như viên kim cương, mất rất nhiều thời gian để liên kết những tinh thể trở thành một khối chắc chắn.

Tôi lấy những trải nghiệm của chính mình để lồng ghép vào các hoạt động đó. Khi bạn ở quá lâu trong môi trường an toàn, cơ thể ít hoạt động, con người luôn trong trạng thái bằng bằng thì sẽ mất đi động lực. Vì thế trước tiên cần tạo ra những hoạt động để mọi người chạm đến điểm giới hạn, thậm chí khiến họ mâu thuẫn với nhau, bộc lộ cảm xúc của mình. Đôi khi tôi thay đổi cả vị trí của người lãnh đạo, hằng ngày đã làm quản lý rồi thì nay làm nhân viên. Đến ngày hôm sau sẽ có những hoạt động như yoga để mọi người lắng đọng lại, chia sẻ suy nghĩ riêng.

Tôi đưa thêm các hoạt động trắc nghiệm tính cách vào chương trình để trong một tập thể, mọi người biết mình thuộc tính cách nào và có cách giao tiếp phù hợp, tránh xung đột. Đồng thời, nếu có mâu thuẫn xung đột thì làm sao để chúng ta vượt qua và tiếp tục công việc vì mục tiêu chung.

Đó là cách tôi xây dựng các hoạt động team bonding cho khách hàng, đồng thời cũng gặp rất nhiều anh chị chuyên gia về các lĩnh vực để cùng xây dựng hay hỗ trợ tư vấn, giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp, đội ngũ nhân sự đang gặp phải.

* Tỷ lệ khách quay lại Bà Đất Homestay là bao nhiêu?

Bà Đất đón rất nhiều khách cũ. Khi mọi người đến thì đều quen biết nhau rồi hoặc đoàn khách mới thì trong đó cũng thường có một khách cũ, bạn bè đã từng đến.Tỷ lệ quay lại khoảng chừng 70%. Ví dụ nhiều công ty từng đến tham gia các hoạt động team bonding, năm nay vẫn tiếp tục quay lại. Khi đó chương trình sẽ nâng cao cấp độ hơn hoặc đề xuất những địa điểm mới.

* Anh có lời khuyên hay nhắn nhủ gì đến những người đang hoặc có ý định kinh doanh mô hình eco-homestay?

Hãy trang bị cho mình kỹ năng về kinh doanh, nhân sự và kết nối các nguồn lực. Nhưng quan trọng hơn cả là các bạn hãy chịu mở lòng, chịu lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ. Biết lắng nghe thì người khác mới bước vào để giúp đỡ bạn được. Nếu cứ khư khư giữ lại cho mình thì cũng giống như ly nước đầy, bạn không thể nhận thêm nước được nữa mà cần cho bớt đi, để nhận thêm những nguồn nước mới. Chẳng có gì phải giấu, chẳng đi đâu mà mất cả. Đó cũng lý do vì sao tôi hay đi hỗ trợ và tư vấn miễn phí cho các bạn trẻ  đang trong quá trình khởi nghiệp hay trở về. Tôi cho đi để nhận thêm cái mới cho chính mình.

Đồng thời phải có niềm tin vào chính bản thân mình. Người thầy sẽ xuất hiện khi học trò sẵn sàng. Khi nghĩ nhiều về thứ gì đó thì ắt sẽ gặp những người đủ duyên đến giúp bạn. Khi tin vào mình thì sẽ có sức lực để trải qua khó khăn.

* Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện!

 

Nguồn: https://cafebiz.vn// Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/bien-ngoi-nha-tuoi-tho-thanh-homestay-hut-khach-ong-chu-ba-dat-tam-su-tu-bo-cung-la-ky-nang-phai-hoc-muon-khac-biet-can-co-tinh-ban-dia-520202277528572.htm

Dr Toan
Author: Dr Toan

CLB Phụ nữ hiện đại