Người đàn ông suốt 3 thập kỷ cần cù sửa xe miễn phí cho người khuyết tật

Người đàn ông suốt 3 thập kỷ cần cù sửa xe miễn phí cho người khuyết tật

Dưới cái nắng hơn 30 độ ở Sài Gòn, hình ảnh người đàn ông cặm cụi vá xe cho cụ già bán vé số tật nguyền trên chiếc xe lăn đã sờn cũ khiến ai đi qua lại đều thấy xúc động. Đây là hình ảnh quen thuộc trên đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai giao với Cống Quỳnh mà mọi người đi ngang cũng có thể thấy được.

 

Chiếc máy bơm quen thuộc với người khuyết tật, lao động nghèo và các bạn học sinh, sinh viên

 Cuộc đời nhỏ bé nhưng tâm hồn phi thường

Ngồi trò chuyện, thăm hỏi, chú Phạm Văn Lương nhiệt tình trải lòng về cái nghề mà khó ai có đủ lòng nhiệt huyết để duy trì nó lâu dài mà không màng đến lợi ích. Chú bắt đầu công việc này đến hiện tại cũng ngót nghét hơn 30 năm, hàng bơm vá xe của chú đều đặn mỗi ngày mở cửa lúc 7h sáng và kết thúc lúc hơn 10h khuya.

Người khuyết tật, hay học sinh, sinh viên ngang đoạn đường này xe bị xẹp, lủng bánh chú đều tận tình, niềm nở giúp đỡ. Chia sẻ về cơ duyên làm công việc này, chú tâm sự, vào một buổi trưa năm 2011, khi chú đang ngồi ăn cơm thì một ông lão bị liệt cả 2 chân ngồi trên chiếc xe lăn lủng bánh đến quán chú nhờ vá, mặt ông buồn rười rượi vì đi nhiều nơi nhưng không nơi nào chịu sửa tại sợ ông ấy không có tiền trả. Chú ngay lập tức đặt hộp cơm qua một bên để giúp ông vá lại chiếc bánh đã xì hơi, cũ mòn. Từ đó chú treo tấm bảng “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật” để mọi người có thể thấy và tìm tới sự giúp đỡ từ chú.

Không chỉ vá xe, chú còn giúp đỡ giữ gìn trật tự an ninh khu vực, chú tự hào kể: “Có lần giúp công an khu vực bắt cướp, chú được trao tặng bằng khen nữa đó”. Nhìn chú, chúng tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực qua từng ánh mắt, nụ cười khi chú giúp đỡ mọi người. Châm ngôn sống của chú là “thẳng, thật, đủ” nên chưa bao giờ chú nhận mình là người tốt. Có lẽ thẳng ở đây là sống thẳng với bản thân mình, thật là không cắn rứt lương tâm, đủ là sống thỏa mãn và trân trọng hiện tại.

Hơn 30 năm làm nghề bơm vá xe, bất kể nắng mưa, giữa đêm khuya, hễ có người bị thủng lốp xe, điện thoại cầu cứu là chú Lương liền đến giúp mà nếu là người lao động nghèo thì chú cũng không lấy tiền.

Biến khó khăn thành động lực, sống lạc quan vui vẻ với đời

Trong dịch covid vừa qua, nhà nhà người người đều lâm vào tình cảnh khó khăn, khốn đốn, gia đình chú cũng không ngoại lệ. Chú phải vay gần 10 triệu để sống lay lắt qua  dịch. Gánh nặng trên vai ngày một lớn khi phải sống cảnh gà trống nuôi 3  con. Chú buộc phải nợ 5 tháng tiền trọ. Qua dịch, chú tiếp tục cần mẫn với công việc này để kiếm tiền trả nợ. Thỉnh thoảng chú vẫn hay nghe thấy những lời dèm pha, dị nghị của người khác, họ nói chú sống giả tạo, chú được nhiều mạnh thường quân biết đến và hỗ trợ hiện kim dùng không hết, nhưng mấy ai biết được, số tiền chú được nhận chẳng thấm vào công sức và tiền bạc chú bỏ ra.

Chú ngậm ngùi tâm sự: “Có nhiều bạn trẻ, tay chân lành lặn nhưng khi tới bơm vá xe chỗ chú thì phóng xe đi luôn, không trả tiền”. Người nhà, hàng xóm thì bảo chú nghèo mà thích lo chuyện bao đồng, không sống cho bản thân, nhưng chú luôn bỏ ngoài tai và tiếp tục làm bởi vì đối với chú niềm vui, nụ cười của những người được giúp đỡ là động lực lớn, là mục đích để chú tiếp tục duy trì công việc này. “Có hôm 3,4 giờ sáng có bà cụ bị thủng lốp xe giữa đường vắng, không biết phải làm sao, khi nghe gọi chú vội vàng bật dậy, nhiệt tình ra vá giúp cụ tiếp tục chặn đường về nhà sau 1 ngày mưu sinh vất vả”.

Khi được hỏi  dự định tương lai chú lắc đầu và nở nụ cười buồn: “Tương lai gì đâu con, chú cứ làm đến khi chú không đủ sức làm nữa” có lẽ nụ cười buồn của chú là niềm vui khi được giúp nhiều mảnh đời cơ cực nhưng cũng là nỗi buồn vì chú ý thức được chẳng bao lâu nữa chú phải ngừng công việc này. Cuộc sống tuy không đủ đầy, nhưng lòng tốt, sự nhiệt tình trong chú chưa bao giờ giảm đi dù chỉ một ít. Giữa chốn Sài Gòn đầy lo toan và tính toán, mấy ai có đủ lòng tốt để luôn cho đi và không cần nhận lại như chú. Mong ước duy nhất của chú là những người được chú giúp đỡ, sau này sẽ lại giúp đỡ cho những người khác, tiếp tục mang năng lượng tích cực của chú lan tỏa đến nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trinh Vy
Author: Trinh Vy

CLB Phụ nữ hiện đại