Hướng nghiệp: Ngành nào sẽ trở thành xu hướng nghề nghiệp trong tương lai?
Tác động của đại dịch COVID-19 có thể được xem như chất xúc tác đem đến nhiều cơ hội chuyển đổi số mới trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử, công nghệ thông tin hoặc sáng tạo nội dung trên nền tảng số.
Đại dịch khiến nhiều ngành phải cắt giảm nhân sự, trong khi một số doanh nghiệp khác lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Mô hình làm việc từ xa không hề mới, song chưa bao giờ chứng kiến nhu cầu lớn đến vậy. Thực tế này khiến nhiều cha mẹ phải định hướng lại nghề nghiệp cho con, bởi một số nghề nghiệp truyền thống hiện nay không còn thích hợp với thế hệ Z (những người sinh năm 1997 – 2012) sinh ra trong thời kỳ bùng nổ Internet và cách mạng công nghệ 4.0.
Trong một buổi thảo luận trực tuyến về Tương lai các ngành nghề trong tương lai do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức gần đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Tổng Giám đốc – Nhân sự &Truyền thông, Total Việt Nam cho biết trong tương lai thế hệ Z không chỉ phải cạnh tranh với thế hệ Y (những người sinh năm 1981 – 1996), mà còn có thể với rô bốt nữa. Do đó, bà cho rằng các em cần thích nghi với thay đổi càng nhanh càng tốt.
Sinh viên RMIT Việt Nam tương tác với giảng viên trong phòng thực hành mô phỏng giao dịch tài chính
Nhóm ngành Kinh doanh kỹ thuật số – Thương mại điện tử
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng và Tư vấn nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam, nhận định rằng có nhiều lý do để thương mại điện tử phát triển và trở thành xu thế mua sắm trong tương lai.
Giao dịch qua thương mại điện tử đã tăng gấp đôi trong vòng năm năm qua, sau đại dịch có thể nhanh chóng cạnh tranh mạnh mẽ với bán lẻ truyền thống và thành tương lai của bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho mảng thương mại điện tử còn khan hiếm vì đây là ngành mới nổi tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các quỹ đầu tư lớn trong nước đang không ngừng rót vốn đầu tư và sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút nhân tài trong mảng này.
Giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, cho biết dịch bệnh đẩy mô hình kinh doanh truyền thống dịch chuyển sang trực tuyến, đưa mọi hàng hóa vốn chỉ bán trực tiếp ở cửa hàng lên sàn trực tuyến. Ông trích dẫn báo cáo mới đây của Savills và chỉ ra rằng thương mại điện tử đang tấn công mạnh mẽ vào bán lẻ truyền thống với 28% các nhà bán lẻ kết hợp cả hai kênh để tăng doanh số.
Trong khi thương mại điện tử dùng công nghệ như một nền tảng hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn, kinh doanh kỹ thuật số lại dùng công nghệ làm cốt lõi để tạo ra giá trị và trải nghiệm. Grab, GoViet hay ví điện tử Timo chính là những ví dụ điển hình.
Thông thạo ngoại ngữ và hiểu biết công nghệ là tiêu chuẩn kép thể hiện khả năng thích nghi của người trẻ với những thay đổi thường nhật trong cách mạng công nghiệp 4.0. Chính điều này sẽ đưa mảng kinh doanh kỹ thuật số trở thành một trong những ngành siêu nổi trong tương lai gần”, Giáo sư Nkhoma cho hay.
“Để thành công trong thế giới số, các chuyên gia và lãnh đạo phải hiểu biết về xu hướng công nghệ, cũng như phải có những kỹ năng thiết yếu để đương đầu với thách thức không ngừng diễn ra”, Giáo sư Nkhoma bổ sung thêm. Ngành này sẽ tạo tiền đề để sinh viên tốt nghiệp có thể nắm giữ những vai trò lãnh đạo và quản trị trong các tổ chức như cơ quan thuộc chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp kỹ thuật số, doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số và công ty tài chính công nghệ.
Nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số
Báo cáo về kỹ thuật số Digital 2019 của We Are Social và Hootsuite (những doanh nghiệp hàng đầu về sáng tạo và quản lý mạng xã hội) cho thấy 97% người Việt đang sử dụng điện thoại di động, 72% có điện thoại thông minh, 43% có máy tính và 13% có máy tính bảng. Chính thói quen giải trí, xem video và mua sắm trực tuyến của người dùng đã khiến nhu cầu nhân lực nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số tăng cao.
Đặc biệt, việc chuyển phần lớn các hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí, kinh doanh sang nền tảng trực tuyến suốt thời dịch COVID-19 đã chứng tỏ đây là nhóm ngành ít bị ảnh hưởng nặng nề khi người trong ngành vẫn có thể làm việc từ xa hoặc làm việc độc lập mà duy trì được hiệu quả công việc. Điều này càng khiến nhu cầu nhân lực nhóm ngành này tăng mạnh mẽ hơn. Nhóm ngành này dường như không chỉ an toàn trước đại dịch mà còn được nhận định là rất an toàn trước làn sóng mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0.
Một số ngành học tiêu biểu trong nhóm ngành này có thể kể đến như Truyền thông, Digital Marketing, Thiết kế ứng dụng sáng tạo và Làm phim kỹ thuật số.
Sinh viên RMIT Việt Nam tương tác với giảng viên trong lớp học về công nghệ.
Nhóm ngành Công nghệ
Trong một bài báo gần đây trên tạp chí Forbes, măc dù một số ngành nghề chứng kiến sự cắt giảm nhân sự ồ ạt do dịch COVID-19, một doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự. Nhóm ngành này luôn là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực cao ngay cả trong thời gian dịch bệnh và còn dễ dàng chuyển sang làm việc từ xa.
Báo cáo của doanh nghiệp chuyên về tuyển dụng TopDev chỉ ra rằng ngành công nghệ thông tin ít có nguy cơ dư thừa nhân sự so với nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Eric Asato, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp tại RMIT Việt Nam, chia sẻ rằng giới trẻ hiện nay đam mê công nghệ hơn hẳn bố mẹ mình. Phụ huynh ngày nay cũng mong muốn con cái theo đuổi ngành này song lại lo ngại rằng công nghệ thay đổi chóng mặt hằng ngày trong khi giáo trình giảng dạy lại nhanh bị lỗi thời. Với những trường có thứ hạng cao như RMIT, nằm trong nhóm 100 đại học đào tạo ngành Kỹ thuật và Công nghệ tốt nhất toàn cầu (Theo Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới theo ngành học năm 2018), trăn trở này có thể được hoá giải vì nhà trường thường xuyên cập nhật giáo trình học chuẩn quốc tế của đơn vị mình.
(Thúy Lê)