Chuyện sinh mổ ly kỳ và vết sẹo “đẹp” của bà mẹ 2 con Trần Nguyễn Ngọc Hạnh
Nhân Ngày của Mẹ 2020, dự án “Love Your Body” thuộc tổng dự án “Mẹ Bầu Phải Đẹp – Mẹ Bỉm Phải Xinh” do chị Trương Ngọc Minh Đăng khởi xướng, đã ra mắt bộ ảnh “Mẹ là người đẹp nhất”.
Bộ ảnh được ra mắt vào ngày 09/05/2020 và hiện đang trựng bày tại HaoCha Milk Tea Việt Nam, 69 Cộng Hòa, Phường 4, Quận Tân Bình, Tp.HCM.
Bộ ảnh có sự tham gia của 13 mẹ, có mẹ sinh mổ lần đầu cũng có mẹ sinh mổ 3 lần. 1 trong các mẹ là nhân vật trong ảnh Trần Nguyễn Ngọc Hạnh đã trải lòng: “Khi biết dự án #LoveYourBody thực hiện bộ ảnh cho mẹ sinh mổ, mình đã mạnh dạn đăng ký với lý do đơn giản vì cả 2 lần sinh con mình đều sinh mổ. Mình dám cá 10 mẹ đi sinh con thì cả 10 mẹ đều muốn sinh thường bởi ai cũng nhận thức được rằng sinh thường thì cả mẹ và con đều được hưởng nhiều lợi ích hơn rất nhiều so với sinh mổ, con thì hệ hô hấp tốt hơn, bé được gần mẹ ngay, mẹ thì hồi phục nhanh hơn, sữa nhanh về hơn, việc chăm sóc cá nhân cũng đơn giản hơn. Bản thân mình khi sinh bé thứ 2 bị tiền sản giật, và sinh con là một quá trình chiến đấu của cả mẹ con và gia đình. Sau khi sinh, thực sự mình mất tự tin về vóc dáng. Khi nhận bộ ảnh của chính mình với những khoảnh khắc này, mình thực sự xúc động bởi ekip đã ghi lại những khoảnh khắc mình đẹp nhất với vết mổ mà thông thường ai cũng muốn giấu đi”.
Chị cũng chia sẻ về hành trình sinh con, những vết sẹo của mình:
Khi thấy chị Minh Đăng thực hiện dự án mình đã mạnh dạn đăng ký với lý do rất đơn giản vì mình sinh mổ. Và nhận được những khoảnh khắc này mình thật sự rất xúc động muốn gửi đến chị một lời cảm ơn chân thành vì đã giúp mình ghi lại khoảnh khắc mình đẹp nhất với vết sẹo mổ mà thông thường ai cũng muốn dấu đi.
Dám cá rằng 10 bà mẹ thì hết 10 mẹ muốn sinh thường lý do vì sao vì ai cũng hiểu rằng sinh thường là điều tốt nhất cho trẻ. Vô vàn các lý do như hệ hô hấp của bé tốt, khả năng phục hồi của mẹ nhanh, sữa về nhiều và nhanh hơn các mẹ sinh mổ.
Nhưng với mình thì sinh mổ lại là điều mình chọn và cảm thấy đúng đắn nhất sau 2 lần vượt cạn. Cả 2 lần ơn trời mình đều vượt qua thành công nhưng hôm nay mới bình tĩnh ngồi mà chia sẽ lại quá trình đi đẻ để sau này có cái gọi là “Nhật ký cho con”
Nói qua về lần sinh bé May. Mình còn nhớ lúc đó đến tuần 37 thấy con ít máy hơn mọi ngày mình đi khám ngay. Khi bác sỹ chuẩn đoán con bị nhau quấn cổ và ngôi ngược thì lời khuyên lúc ấy bác đưa ra là mình nên sinh mổ để an toàn con, tẩm tuần thứ 36 trở đi là có thể mổ bắt con rồi. Mang thai lần đầu mà lo lắng đủ thứ nên cứ nghe tốt cho con và theo linh cảm của người mẹ mình quyết định leo lên bàn mổ. Mọi chuyện không có gì xảy ra đến khi trong tiếng dao kéo lẻng xẻng mình nghe bác Phượng bảo:
-May mà sinh mở chứ 4kg2,ngôi ngược, tràng hoa quấn cổ thì sao sinh thường nổi.
Choáng vì mới cách đây 3 ngày khi làm thủ tục chuẩn bị sinh siêu âm em có 3kg 2 thôi.
Nhìn mặt con hun con xong một cái là mệt quá ngủ thiếp đi trong khi các bác khâu vết mổ.
Công nhận cách đây 5 năm mà các bác sỹ mổ cực đẹp và thẩm mỹ bằng chỉ tự tiêu nữa nên tớ không phải lăn tăn vụ rút chỉ.
Rồi xong! Tiếp đến lần hai bé Mia. Đã mổ tập 1 thì tập 2 chắc chắn mổ luôn. Tự tin lắm nghĩ y chang lần đầu nên cũng không quá lo lắng cho đến tuần 34 bác sĩ chuẩn đoán cao huyết áp, tiền sản giật. Nhập viện là một chuỗi ngày cả mẹ và con cùng chiến đấu.
Đi đâu cũng kèm theo cái máy truyền dịch để giữ huyết áp ổn định. Đi “tè” là phải hứng lại trong cái bình trong vòng 24 tiếng để làm xét nghiệm tiền sản giật. Theo dõi nhịp tim thai và cử động thai máy hằng ngày. Và kinh dị nhất là cái khoản lấy ven lấy máu. Hai tay là hai kim truyền thuốc. Lúc đó cũng lo lắng sợ hãi lắm hai vợ chồng hỏi ý kiến bác sỹ để xin mổ bắt con sớm vì sợ tim thai dừng đột ngột. Nhưng ở tuần 34 là quá sớm nên cố gắng kéo thêm ngày nào hay ngày đó. Quen cơm bệnh viện, quen giờ chích thuốc hay những khuôn mặt các y tá điều dưỡng thì tình hình tạm ổn được về nhà ăn tết sau bao nhiêu hồi hộp lo lắng không biết là khỉ hay gà con chào đời.
Mùng 1 tết, bầu điệu cả nhà chụp hình kỷ niệm năm mới thì qua mùng 2 lại nhập viện. Sau bao nhiêu bình thuốc bác sỹ chỉ định mổ chấm dứt thai kỳ ở tuần thứ 36/2/7. Mùng 3 tết Đinh Dậu nói là làm, sau khi được làm violong sạch sẽ y tá báo 2h30 sẽ vào phòng mổ. Lúc đó chồng đi ra ngoài, 1 mình mình trong phòng. Cảm giác thôi rồi không lẽ đi đẻ mà không gặp được ai. Mặt bầu tội nghiệp xin xỏ mắt rơm rớm nước mắt :
– Chị cho em 15 phút nữa chồng em về tới chứ hổng lẽ em đi đẻ mà không gặp được ai.
May sao chồng về kịp dặn dò chút em lại leo lên bàn mổ các mẹ ạ.
3h30 ngồi trong phòng mổ 1 mình tự nhiên lạnh run. Tay xoa bụng bầu nói với con:
– Hai mẹ con mình cùng ráng lên nha. Cố lên mẹ sắp được gặp con rồi.
Màn thủ tục chào hỏi nhanh chóng thay vào đó là một bức màn che trước mặt. Hai chân như có ngàn cân đè lên. Màn nhào bột trên bụng bắt đầu.
Oe oe oe
Mẹ gặp Mia rồi đó. Giây phút ấy mình như sống lại cảm giác 5 năm về trước khi mổ bé May vậy đó. Thiêng liêng và hạnh phúc vô cùng.
Con được đưa đi sưởi ấm và gặp ba thì bác sỹ cũng bắt đầu khâu vết mổ cho mẹ. Lúc đó mình rất tỉnh táo nghe mọi người nói chuyện.
Bỗng dưng mình nghe bác sỹ nói sao ổ bụng chảy nhiều máu quá. Kiểm tra lại ngay.
Thiệt tình chứ lúc đó sợ vô cùng, không biết mình có sao không? Hoảng loạn – chính xác là cảm giác lấn áp tinh thần mình. Lúc đó bác sỹ gây mê kêu dừng lại khoan làm tiếp. Nhịp tim hay huyết áp mình tụt các mẹ ạ. Cả ekip im lặng, bác sỹ gây mê lập tức lại hỏi chuyện và trấn an mình. Chắc có lẽ hành động kịp thời đó giúp mình trấn tĩnh lại. Mọi thứ trở về bình thường sau 10 phút và mình thiếp đi khi nghe nói:
– Xong rồi em mệt ngủ chút xíu đi.
Qua ải lần này là gia đình và bản thân phải cảm ơn Trời Phật nhiều lắm. Và kinh nghiệm rút ra là “Phải bình tĩnh dù bất cứ chuyện gì xảy ra”.
Sinh mổ là thế các mẹ ạ, cũng muôn vàn khó khăn mới gặp được con. Nhưng trên hết vẫn là tình yêu của mẹ dành cho con tất cả.
Những vết sẹo mổ luôn là những dấu ấn đẹp nhất cho những ai được làm mẹ phải không?
Trần Nguyễn Ngọc Hạnh