PGS. TS. BS Trần Phan Chung Thủy: Đào tạo là ưu tiên hàng đầu
Với vai trò là Giám Đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam và Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng Khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM, PGS. TS. BS Trần Phan Chung Thủy luôn đề cao công tác đào tạo, huấn luyện với mong muốn về một thế hệ Bác sĩ tài giỏi, y đức cùng kỹ năng chuyên môn cao, giúp ích cho người dân và cộng đồng. Cùng Tạp Chí Sức Khỏe trò chuyện thêm với PGS để hiểu rõ hơn về điều này.
PGS. TS. BS Trần Phan Chung Thủy
Được biết đến là người luôn chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ y tế, tại sao PGS lại quan tâm đến vấn đề này?
Đối với tôi, trách nhiệm của một người Thầy thuốc không chỉ đơn thuần là chữa bệnh cứu người. Một Bác sĩ giỏi có thể cứu chữa được nhiều bệnh nhân, nhưng nhiều Bác sĩ giỏi có thể giúp ích được cho cả xã hội. Việc đem kiến thức, kỹ năng của những Bác sĩ giàu kinh nghiệm truyền đạt lại cho các thế hệ sau là công việc hết sức quan trọng và có ý nghĩa lâu dài. Điều này giúp cho các Bác sĩ trẻ nhanh chóng tiếp thu được kiến thức, bồi dưỡng khả năng để họ có thể chăm sóc và điều trị bệnh nhân được tốt hơn. Cứ như vậy, công việc này sẽ được diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ như là một phần không thể thiếu để phát triển ngành Y. Chính vì thế, tôi cho rằng việc tổ chức đào tạo và đào tạo liên tục chính là biện pháp tốt nhất để đạt được điều này.
Với vai trò là Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, PGS có thể cho biết đã triển khai công tác đào tạo vào Bệnh viện như thế nào và trong năm qua đã đạt được những thành tựu gì?
Với vị thế là Bệnh viện chuyên khoa Tai Mũi Họng đầu ngành của miền nam và được Sở Y tế giao cho chức năng đào tạo và đào tạo liên tục, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã phát huy thế mạnh này khi là nơi thực tập cho các em sinh viên đại học và sau đại học thuộc Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y Đại Học Quốc Gia TP.HCM, các trường Trung cấp Y Dược Hồng Đức, Trung cấp Phương Nam, Thư ký Y khoa của Đại học Hoa Sen và các đơn vị y tế.
Để thực hiện điều đó, Bệnh viện liên tục mở các khóa đào tạo chuyên sâu và cập nhật kiến thức mới cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Tính riêng trong năm 2019 vừa qua, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã 14 khóa đào tạo liên tục chuyên sâu trong Tai Mũi Họng giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên khoa.
Điều khiến tôi tâm đắc là việc chúng tôi đã mời nhiều chuyên gia uy tín từ nước ngoài đến để tham gia giảng dạy, giúp các Bác sĩ của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM và cả các BS tại Bệnh viện khác tiếp cận thêm nhiều giải pháp điều trị bệnh hiệu quả hơn trong tương lai. Ngoài những khóa đào tạo trực tiếp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM còn triển khai các khóa đào tạo trực tuyến, giúp có thêm sự lựa chọn và tiện lợi hơn đối với Bác sĩ tham gia. Có thể kể đến một số khóa đào tạo tiêu biểu trong những năm vừa qua như:
- Phẫu tích xương thái dương cơ bản và nâng cao.
- Phẫu tích nội soi mũi xoang cơ bản và nâng cao.
- Phẫu thuật u họng thanh quản qua nội soi có sử dụng Laser.
- Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vùng đầu mặt cổ.
- An toàn người bệnh.
- Cấy ốc tai điện tử.
- Rối loạn tiền đình.
- Nội soi hoạt nghiệm thanh quản và tai mũi họng nhi khoa.
- Điều dưỡng chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Ngoài các khóa huấn luyện đào tạo, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM còn là đơn vị tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo khác nhau. Đồng thời cũng thường xuyên tập huấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho các Bệnh viện tuyến dưới. PGS cho biết thêm về các hoạt động này?
Ngoài các lớp đào tạo, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị – Hội thảo khoa học giúp các đồng nghiệp trong ngành Tai Mũi Họng giao lưu, trao đổi kiến thức với nhau, từ đó giới thiệu thêm nhiều giải pháp và nghiên cứu khoa học bổ ích, điển hình như: Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên Tai Mũi Họng; Hội thảo tiền Hội nghị Quốc tế ORLIAC; Tổ chức thành công khóa học Phẫu Thuật Đường Thở Trẻ Em Châu Á Thái Bình Dương lần 5 (APPAC) (1/2019); Phối hợp với tổ chức TMH quốc tế (IFOS – International Federation Otolaryngology Society) 11/2019: Với 37 giảng viên đế từ châu Âu, Úc và các nước Asian. Học viên tham dự là bác sĩ TMH đến từ 10 quốc gia vùng Đông Nam Châu Á và Việt Nam…
Về việc chuyển giao kỹ thuật cho các Bệnh viện tuyến tỉnh, qua nhiều năm thực hiện Đề án 1816, chúng tôi đã hỗ trợ chuyên môn, dụng cụ, trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Đăk Lắk, Long An, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Huyện Cần Giờ, Quận Tân Phú, Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên, Bệnh viện Củ Chi… Với các kỹ thuật đã chuyển giao như: Phẫu thuật cắt Amiđan gây mê phương pháp bóc tách, cắt Amiđan, nạo VA bằng dao Plasma, cắt polye mũi qua nội soi, Phẫu thuật lấy dò luân nhĩ, Phẫu thuật nội soi mũi xoang, Chỉnh hình vách ngăn, Phẫu thuật vá nhĩ qua nội soi , Phẫu thuật Sào bào thượng nhĩ vá nhĩ… Quá trình chuyển giao đã giúp các Bệnh viện được hỗ trợ có thể tự thực hiện các kỹ thuật khó, thay vì phải chuyển lên tuyến trên như trước, giúp giảm tải rõ rệt áp lực cho các Bệnh viện tuyến trên.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam và Chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng của Khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM, công tác đào tạo được PGS triển khai như thế nào?
Với vai trò chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng, Khoa Y Đại Học Quốc Gia TP HCM thì đào tạo vốn dĩ là chức năng cơ bản, do đó chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục việc nâng cao chất lượng giảng dạy, tối ưu hóa chương trình sao cho sinh viên có thể tiếp thu một cách dễ dàng nhất lượng kiến thức được học như tăng cường giảng dạy theo Phương pháp PBL (Project-based learning). Đồng thời, tạo nhiều cơ hội hơn giúp các em tiếp cận được với thực tế bệnh viện, tích lũy cho mình vốn kiến thức và kinh nghiệm quý báu để trở thành một Bác sĩ giỏi trong tương lai.
Còn về Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, tôi có nhiều dự định được ấp ủ từ lâu và sẽ triển khai trong thời gian tới. Đầu tiên là việc chú trọng vào công tác đào tạo thông qua các chương trình Hội nghị hội thảo lớn, bằng việc mời các Bác sĩ, giáo sư đầu ngành Việt Nam cùng các chuyên gia uy tín từ nước ngoài, chúng tôi hy vọng sẽ truyền tải được nhiều kiến thức bổ ích có giá trị cho hội viên tham gia. Thứ hai, trong kỷ nguyên 4.0 như hiện nay, Hội cũng sẽ tập trung hơn vào công tác đào tạo trực tuyến giúp các Bác sĩ từ nhiều nơi khác nhau dễ dàng đăng ký tham gia. Trong đó, dự án triển khai Ứng dụng đào tạo chuyên sâu trên điện thoại của riêng Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, giúp kết nối và hỗ trợ việc đào tạo từ xa cho tất cả các Hội viên trên cả nước là điều mà tôi đang quan tâm và hướng tới thực hiện.
Xin cám ơn PGS. TS. BS Trần Phan Chung Thủy
Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam
Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM
Quốc Thắng
Theo Tạp chí Sức Khỏe