Nguy hiểm thực phẩm chức năng chứa chất kích dục

Nguy hiểm thực phẩm chức năng chứa chất kích dục

Một số thực phẩm chức năng được quảng cáo bổ thận, tráng dương nhưng lại trộn hoạt chất kích dục. Cơ quan quản lý tới nay vẫn chưa thể xử lý hết vi phạm nghiêm trọng này.

 

co-quan-chuc-nang-thu-giu-san-pham-than-luc-phien-cua-cong-ty-cp-duoc-pham-khang-dat-anh-tran-phuong-0447
Cơ quan chức năng thu giữ sản phẩm Thận lực phiến của công ty CP dược phẩm Khang Đạt. Ảnh: Trần Phương

 

“Đụng” vào là phát hiện vi phạm

Tại Hải Phòng, cơ quan chức năng vừa phát hiện thực phẩm chức năng “Thận lực phiến” do Công ty CP Dược phẩm Phú Tín sản xuất, Công ty CP Dược phẩm Khang Đạt phân phối, được công bố là sản phẩm bào chế từ thành phần thảo dược, dựa trên nền tảng cổ phương, kết hợp với công nghệ chiết xuất tiên tiến… Sản phẩm này được quảng cáo là “cứu cánh” của đàn ông, kể cả những người xuất tinh sớm, liệt dương, suy giảm chức năng sinh lý. Kết quả giám định cho thấy, sản phẩm trên có hoạt chất sildenafil citrat (hoạt chất của thuốc điều trị rối loạn cương nam giới – Viagra), với hàm lượng 18,18 mg/viên.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng quyết định thu hồi hiệu lực giấy chứng nhận tiêu chuẩn cấp cho sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khải Việt Hương cảng Canh Công Phu” do có chứa hoạt chất sildenafil với hàm lượng 4 mg/g. Sản phẩm do công ty Dược phẩm Khải Việt (ở TP Hải Phòng) công bố và sản xuất, được quảng cáo trên mạng là “sản phẩm số 1 về tráng dương, với 100% là thảo dược, không kích ứng, không tái phát, không tác dụng phụ”.

Theo kết quả mới công bố của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), trong 6 mẫu thực phẩm chức năng, phát hiện có hai mẫu chứa chất kích dục vardenafil.

Được biết, những thực phẩm chức năng trên đều được các công ty nhập khẩu, phân phối, quảng cáo làm từ thảo dược. Chúng chỉ bị phát hiện vi phạm khi kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm.

Nguy hiểm đến sức khỏe

TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng cho biết: Vardenafil và sildenafil là các hoạt chất của thuốc điều trị bệnh rối loạn cương dương ở nam giới, không được phép đưa vào trong thực phẩm chức năng. Thực phẩm bổ sung chứa hoạt chất sildenafil có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng vì bản thân dược phẩm chứa sildenafil chỉ được sử dụng khi bác sỹ kê đơn căn cứ vào tình trạng bệnh, lứa tuổi… Việc sử dụng các sản phẩm có chứa các hoạt chất trên không được kiểm soát về liều dùng có nguy cơ dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng như: huyết áp thấp, tăng nhịp tim, làm tăng nguy cơ hoặc gây ra các cơn đau tim, đột quỵ…

Theo số liệu từ Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam: Năm 2000, cả nước mới có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thì đến năm 2005, đã là 143 cơ sở.

Nếu như năm 2000, cả thị trường thực phẩm chức năng nước ta mới chỉ có 63 sản phẩm thì chỉ trong 2 năm từ 2011 – 2013, thị trường này đã xuất hiện khoảng 10 nghìn sản phẩm, trong đó khoảng 60% là hàng sản xuất trong nước, 40% còn lại là nhập khẩu.

Theo BS. Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức), với trường hợp rối loạn cương dương sẽ được chỉ định dùng thuốc đặc trị chứ không phải là thuốc kích dục. “Tuy nhiên, cách dùng thuốc như thế nào và liều lượng ra sao, cần hỏi ý kiến bác sỹ. Cho dù dùng thuốc theo nhu cầu hay dùng thuốc hàng ngày cũng không bao giờ được dùng quá một lần mỗi ngày. Vì như vậy sẽ dễ dẫn đến hiện tượng quá liều thuốc và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, BS. Bắc nói.

Bức xúc trước tình trạng quảng cáo thổi phồng của thực phẩm chức năng hiện nay, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định: Sau khi đã được cấp phép lưu hành, việc quảng cáo sản phẩm lại đang xảy ra nhiều vi phạm. “Các doanh nghiệp quảng cáo “thổi phồng” sản phẩm của mình. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp đã quảng cáo sản phẩm gian dối, đánh lừa người tiêu dùng. Chính việc quảng cáo không đúng sự thật khiến người tiêu dùng bị thiệt hại về kinh tế. Thậm chí, làm bệnh nặng thêm”, ông Phong nói.

Thời gian qua, trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng được phát hiện, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, con số này lên tới hơn 53%, chủ yếu là lỗi quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt…

Theo baogiaothong.vn

– See more at: http://phunuvacuocsong.net/demo/tieu-dung/652-nguy-hiem-thuc-pham-chuc-nang-chua-chat-kich-duc#sthash.TVyKaeaW.dpuf

Hanh Ngoc
Author: Hanh Ngoc

.

CLB Phụ nữ hiện đại