Làm đẹp theo kiểu Độc và Lạ?
Chưa bao giờ những công nghệ làm đẹp “độc và lạ” lại nở rộ như hiện nay: “Đốt lửa giảm cân”, “Trà giảm cân”, “Cấy phấn”, “Phi kim vi tảo”, “Cấy tảo xoắn”, “Cấy hồng sâm nano”, “Phi kim tế bào gốc”… Thực hư các công nghệ làm đẹp này như thế nào? Liệu những công nghệ độc quyền ấy có thật sự tốt như lời quảng cáo?
Đốt lửa giảm cân
Dựa trên nguyên tắc dùng sức nóng để ép cân, vốn có từ trước của các vận động viên khi sắp phải thi đấu. Tuy nhiên, khi vận dụng, để có được sức nóng, các spa sẽ quấn khăn rồi tẩm cồn vào đốt. Người ta hy vọng sức nóng từ lửa bên ngoài sẽ làm giảm mỡ, săn chắc da cho các khách hàng đang khao khát giảm cân. Hiệu quả chưa thấy đâu, chỉ thấy đã có khách hàng và nhân viên bị bỏng trầm trọng, gây mất an toàn trong việc phòng chống cháy nổ cũng như để lại nhiều di chứng đau đớn cho khách hàng.
Trà giảm cân
Là một sản phẩm khá phổ biến trong thời gian gần đây. Trong một số loại trà giảm cân có chứa thành phần cấm như Sibutramine và Phenolphthalein.
Sibutramine là một hợp chất được sử dụng để giảm sự thèm ăn, thường được sử dụng trong điều trị bệnh béo phì. Chất này được rút khỏi thị trường vào tháng 10/2010 vì lý do an toàn. Sibutramine có thể gây nguy cơ tăng huyết áp, tăng nhịp tim và đặc biệt nguy hiểm cho người có tiền sử bệnh tim mạch.
Phenolphthalein là một chất chỉ thị màu được dùng để nhận biết và đo độ pH của dung dịch. Chất này có khả năng gây ung thư. Vì vậy, chúng đã được hạn chế và FDA cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này mà không cần toa bác sĩ từ năm 1999. Hiện nay chất này không còn được FDA cho phép trong thực phẩm – dược phẩm.
Cấy phấn
Là quá trình dùng mực xăm màu da để che phủ toàn bộ bề mặt da. Đầu tiên các trung tâm thẩm mỹ này sẽ dùng kim hoặc áp dụng siêu mài mòn tạo tổn thương trên bề mặt da. Sau đó, họ sẽ cho một dung dịch màu lên trên để màu này bám vào bề mặt da. Người ta kỳ vọng dung dịch màu này có thể che được các vết sạm trên da và làm cho làn da sáng bóng. Tuy nhiên, các thể màu này thường loang lỗ và thường gây kích ứng, dị ứng, nhiễm trùng, bong tróc… cũng như biến đổi thành các màu sậm khi khách hàng thực hiện các thủ thuật như laser.
Phi kim vi tảo, Cấy tảo xoắn, Cấy hồng sâm nano…
Là tên gọi chung của các phương pháp dùng con lăn hoặc bút lăn kim tạo tổn thương trên bề mặt da rồi cho các dung dịch lên bề mặt. Tùy thuộc dung dịch gì thì phương pháp sẽ gọi tên dung dịch đó. Các phương pháp này được quảng cáo điều trị mụn, sẹo, lỗ chân lông to, làm trắng da… Những dung dịch này hoàn toàn chưa được kiểm chứng về chất lượng cũng như hiệu quả điều trị. Khả năng dị ứng, nhiễm trùng, tạo sẹo rất lớn khi những chất này được bôi lên vết thương hở.
Phi kim tế bào gốc
Là một thuật ngữ khá quen thuộc trong thẩm mỹ hiện nay. Nhiều trung tâm thẩm mỹ quảng cáo các sản phẩm dùng sau lăn kim có chứa “tế bào gốc”, nhưng trên thực tế các sản phẩm này là gì? Các dung dịch chứa “tế bào gốc” này được bôi lên mặt sau khi lăn kim hoặc siêu mài mòn. Thực chất trong các dung dịch này chỉ là một số chất giữ ẩm, vitamin chứ không hề có tế bào gốc nào. Việc sử dụng tế bào gốc là một tiến bộ của y học, tuy nhiên, việc tạo ra các tế bào gốc để sử dụng không hề đơn giản cũng như không thể cho vào các chai lọ để người tiêu dùng có thể mang về bôi hàng ngày.
ThS BS Nguyễn Duy Hải
Phòng khám Da liễu Thẩm mỹ Dr Duy Hải
Nguồn: tcsuckhoe.com