“Tour sinh tồn trong đô thị” giúp trẻ an toàn
Theo số liệu thống kê của Cục quản lý môi trường y tế, tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày.
Để giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ, việc kiểm soát không gian an toàn xung quanh đời sống của trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại các đô thị thực sự cần sự quan tâm & phối hợp từ không gian cá nhân, đến không gian tại gia đình, cho tới không gian trường học và các khu vực không gian công cộng. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm cũng như các văn bản hướng dẫn: Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai bạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Triển khai thực hiện ngôi nhà an toàn do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành tại Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2011; Trường học an toàn do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành tại Thông tư số 45/2021/TTBGDĐT ngày 31/12/2021 và Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/10/2023; Cộng đồng an toàn do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 170/2006/QĐ-BYT ngày 17/01/2006
Tốc độ đô thị hóa đang gia tăng tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2030 có 50% và đến năm 2050 có từ 70-75% dân số sống trong đô thị. Bên cạnh đó, Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng internet đang ở mức 79,1% tổng dân số vào năm 2024, xếp hạng thứ 12 trên thế giới. Vì vậy, trẻ em đang và sẽ là công dân đô thị trong tương lai hoặc công dân đô thị trong thế giới ảo.
Trẻ em tham gia Tour sinh tồn tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội)
Các kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân, an toàn trong môi trường sống hàng ngày, dù rất gần gũi nhưng việc dạy trẻ cần có chiến lược và có hệ thống theo quá trình phát triển tâm sinh lý và kỹ năng phát triển xã hội của trẻ. Cha mẹ tham gia chủ yếu vào 3/4 không gian giáo dục an toàn gồm: không gian an toàn bản thân, không gian an toàn trong gia đình và không gian an toàn tại cộng đồng. Bắt đầu từ kiến thức và kỹ năng về nhận thức bản thân và xây dựng ranh giới cá nhân, nhận thức về sự riêng tư cần được dạy trước tiên – Trách nhiệm đầu tiên thuộc về giáo dục gia đình và khó có ai thay thế những người đang nuôi dạy trực tiếp trẻ. Các hoạt động giáo dục an toàn bản thân gồm:
- Giáo dục nhận biết và biểu đạt cảm xúc với 5 giác quan, là cách trẻ tri nhận cách thế giới, xã hội vận hành như thế nào? Bắt đầu từ dự cảm xấu, dự cảm tốt. Biểu đạt sự vui mừng hay sợ hãy là những tín hiệu sơ khai và quan trọng ban đầu trước khi dạy trẻ những điều to lớn hơn trong cuộc sống.
- Giáo dục ngôn ngữ giúp trẻ dễ dàng biểu đạt cảm xúc, thái độ và tri thức của bản thân. Việc giàu có ngôn ngữ và biết cách sử dụng ngôn ngữ trong bối cảnh khác nhau giúp trẻ dễ làm làm chủ không gian và các mối quan hệ.
- Giáo dục hành vi. Bắt đầu các hành vi phù hợp và không phù hợp trong từng hoạt động hàng ngày, từng bối cảnh sống, lặp đi lặp lại giúp trẻ mỗi ngày thuần thục với các kỹ năng để chiếm lĩnh đời sống một cách an toàn, có chủ đích.4
- Giáo dục mối quan hệ. Việc học hỏi giao tiếp dựa trên sự tôn trọng và sự quan tâm đến người khác, bao gồm việc không làm tổn thương hoặc xúc phạm người khác giúp trẻ có kỹ năng giao tiếp phù hợp và biết cách giải quyết xung đột lịch sự và hiệu quả. Việc kết bạn cùng giới và khác giới hay biết phòng vệ với người lạ, xây dựng mối quan hệ với người đáng tin cậy và đề nghị giúp đỡ đều là những nội dung quan trọng cần được cha mẹ quan tâm trước khi dạy trẻ an toàn trong các không gian xã hội khác.5.
- Không gian an toàn. Khoảng cách giao tiếp an toàn, cách xác định thế nào là không gian an toàn/không an toàn trong trong nhà và ngoài trời, và cách đối phó với các tình huống nguy hiểm với cá nhân là nội dung có thể bắt đầu tự khi còn rất nhỏ, các thoát hiểm cá nhân từ không gian sâu, cao, chật hẹp… cần được giáo dục thường xuyên với các tình huống giả định
Khi trẻ có nhận thức cá nhân, nhận biết được giá trị và trách nhiệm cần bảo vệ bản thân theo quy định tại Điều 41, Luật trẻ em về Bổn phận của trẻ em tới bản thân. Trẻ sẽ có nhu cầu học hỏi, tự bảo vệ bản thân trong không gian gia đình, trường học và nơi công cộng
Để giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ, việc kiểm soát không gian an toàn xung quanh đời sống của trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại các đô thị thực sự cần sự quan tâm & phối hợp từ không gian cá nhân, đến không gian tại gia đình, cho tới không gian trường học và các khu vực không gian công cộng.
Trẻ trong Tour sinh tồn quan sát & tìm hiểu khu vực đặt dụng cụ phòng cháy chữa cháy tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông (HN)
Ngày 31/3/2024 Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) đã tổ chức thử nghiệm Tour sinh tồn trong đô thị tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội). Trong chương trình, hơn 20 trẻ em trong độ tuổi từ 8 – 14 đã tham gia các hoạt động để tra cứu phương hướng, không gian, các khu vực chức năng khác nhau trong trung tâm thương mai, các em được nhận biết các biển báo, tín hiêu, nhận biết khu vực đặt dụng cụ phòng cháy, chữa cháy và cửa thoát hiểm khi có sự cố mất an toàn xảy ra.
Trẻ tham gia trải nghiệm tại Tour sinh tồn quan sát lối thoát hiểm ở Trung tâm thương mại
Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình, các trẻ em được trải nghiệm mua sắm trực tiếp biết cách đọc nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ & phân biệt thành phần dinh dưỡng có trong đồ ăn từ đó nhận biết thực phẩm an toàn tốt cho sức khoẻ và môi trường.
Tour sinh tồn trong đô thị là một sáng kiến của Tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm trẻ em và phát triển (CCD) (thuộc Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) nhằm hướng tới tạo hệ sinh thái giáo dục gia đình kiến tạo vòng tròn an toàn bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa.
Tour thí điểm ngày 31/3 đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm & tham gia của các gia đình có trẻ em trong độ tuổi từ 8 – 14.
Trẻ trong Tour sinh tồn tìm hiểu về hộp cửa cuốn với sự hướng dẫn của Nhân viên Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông
Phát biểu tại chương trình bà Lê Thị Thu Hà – Nhà truyền thông giáo dục – Giám đốc Trung tâm trẻ em và phát triển (CCD) chia sẻ: “Với mong muốn đồng hành cùng nhà trường, đối tác doanh nghiệp (TTTM)…kiến tạo vòng tròn an toàn cho trẻ từ những không gian quen thuộc trong gia đình, trường học cho tới không gian công cộng như Trung tâm thương mại, sân chơi ngoài trời.., CCD hiện đang có các chương trình hợp tác thí điểm để triển khai mở rộng các hoạt động trong năm 2024. Dự kiến kết thúc 2024 sẽ có khoảng 2000 trẻ em có cơ hội trải nghiệm tour sinh tồn tại không gian công cộng ở Trung tâm thương mại & không gian trường học. Chúng tôi mong muốn các hoạt động sẽ có sự đồng hành và chung tay của các tổ chức bảo vệ trẻ em trong mạng lưới CRNET (Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) để truyền thông thay đổi nhận thức của cha, mẹ, giáo viên, nhà quản lý giáo dục những người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ… để tạo dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh”.
Trẻ em tham gia Tour sinh tồn tìm hiểu & lựa chọn đồ ăn tại gian hàng của Trung tâm thương mại
Nhóm trẻ tham dự Tour sinh tồn trong đô thị tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội)
Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) là tổ chức xã hội phi lợi nhuận trực thuộc Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam hướng tới mục tiêu cùng các cá nhân, tổ chức đồng kiến tạo “Hệ sinh thái giáo dục gia đình thuận tự nhiên” với sự tham gia của cộng đồng cha mẹ, nhà thực hành giáo dục, nhà nghiên cứu, quản lý, đầu tư và truyền thông…..giúp trẻ tự khai phóng, có trách nhiệm với bản thân, sống kết nối với thiên nhiên và cống hiến vì cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ cho các chương trình giáo dục chính thống trong các nhà trường.
Để tham khảo thông tin chi tiết về Tour sinh tồn trong đô thị vui lòng liên hệ đường dây nóng 0976845766 – www.ccdvietnam.org
(CCD VN)