6 tính xấu trong công việc bạn cần tránh xa
Trong bất kỳ ngành nghề hay công việc nào cũng luôn cần những tố chất và kỹ năng nhất định (từ kỹ năng giao tiếp, thuyết trình hay kỹ năng viết báo cáo..) để bạn có thể thích nghi và đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Thế nhưng bên cạnh những tính cách tích cực, mang lại giá trị thì cũng nên chú ý đến những hành vi, tính cách tiêu cực. Điều này không những làm ảnh hưởng xấu đến cá nhân bạn mà lâu dài có thể gây ra những tổn thất đáng kể về mặt lợi ích cũng như hình ảnh của doanh nghiệp, công ty cũng như bộ phận lãnh đạo.
chia sẻ về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 6 tính xấu trong công việc bạn cần tránh xa.
Đổ lỗi
Đây là một tính cách thường khó được phát hiện trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng. Vì thế có khá nhiều trường hợp sau khi làm việc một thời gian mới bắt đầu để lộ ra khuyết điểm này. Tính xấu này thể hiện rõ nhất trong môi trường làm việc nhóm, nơi đòi hỏi tinh thần tập thể cao. Trong suốt những dự án, chương trình, người có tính cách này thường có xu hướng đùn đẩy trách nhiệm khi gặp những khó khăn, tổn thất. Thay vì nhận lỗi về mình, họ luôn tìm những lý do khách quan “tại thế này, tại thế kia” hoặc đổ lỗi cho người khác để gánh thay phần trách nhiệm của mình.
Biển thủ tài sản công
Đây không những là một hành động xấu mà nó còn có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Khi làm việc trong các vị trí quản lý công ích, tiền tệ hoặc kế toán, bạn cần phải hết sức nghiêm túc và tránh tuyệt đối hành vi lấy của công làm của tư. Mỗi ngày có hàng chục vụ tham ô tài sản doanh nghiệp dẫn đến bị truy tố trách nhiệm hình sự nghiêm trọng. Vì lẽ đó, cần rèn luyện tính liêm khiết khi làm việc trong những vị trí nhạy cảm này.
Nói xấu đồng nghiệp, cấp trên
Trong môi trường công sở, những cuộc trò chuyện riêng trong giờ làm là điều luôn luôn xảy ra. Ngoài những vấn đề cá nhân thì một số nhân viên hay có thói quen nói xấu lãnh đạo hoặc đồng nghiệp với nhau. Đây là một thói quen tưởng chừng như vô hại vì cho rằng đối tượng được nhắc tới sẽ không hay biết gì hết. Thế nhưng việc liên tục tạo ra những câu chuyện không đúng sự thật sau lưng, sẽ khiến cho nội bộ chia rẽ, lục đục trong các phòng ban. Lâu dần, tình trạng này sẽ dẫn đến mâu thuẫn cá nhân, công việc hoạt động không hiệu quả.
Xem thường khách hàng
Trong bất kỳ ngành nghề nào, đối tượng tiêu dùng – người sử dụng luôn được quan tâm và lắng nghe. Nhất là đối với các doanh nghiệp theo khuynh hướng phát triển dịch vụ thì điều này càng trở nên cần thiết. Thế nhưng không phải nhân viên nào cũng thấu hiểu và tôn trọng khách hàng của mình trong mọi tình huống. Khi có những tranh chấp, cãi vã thì cấp trên cần chú ý quan sát thái độ và cách ứng xử của nhân viên cấp dưới đối với khách hàng để kịp thời xử lý. Bạn cũng cần hiểu rõ rằng, đã làm trong môi trường dịch vụ thì thái độ xem thường khách hàng đồng nghĩa với việc tự bôi xấu hình ảnh công ty, doanh nghiệp.
Trễ hẹn
Đây là một trong những tật xấu khá phổ biến của rất nhiều người. Dù là một cuộc gặp mặt nhỏ với khách hàng, họp giao ban hay họp chuyên môn quan trọng thì bạn đều cần đặt sự cần thiết của việc đúng giờ lên hàng đầu. Việc liên tục trễ hẹn do tắt đường, kẹt xe, thời tiết, sức khỏe đều là những lý do không dễ chấp nhận vì điều đó chứng tỏ khả năng xử lý tình huống và kế hoạch dự phòng của bạn quá kém. Tính cách này không những làm cho bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tất cả mọi người vì phải chờ đợi cũng như trì hoãn khi công việc đang cần tiến hành.
Công tư không phân minh
Tính cách này thường xuất hiện ở những vị cấp trên cũng như lãnh đạo trong bất kỳ doanh nghiệp nào. Công tư chưa phân minh tức là những hành động mang tính chất tập thể nhưng lại được thực hiện một cách cá nhân vì những mối quan hệ hay lợi ích riêng không chính đáng. Những doanh nghiệp nếu được dẫn dắt bởi đội ngũ có nhiều người với tính cách này thì rất dễ mắc sai lầm, dẫn đến thất bại vì chưa chính trực trong công việc.
Trên đây là 6 tính xấu trong công việc bạn cần tránh xa. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân, từ đó biết cách khắc phục những hạn chế để không làm ảnh hưởng đến cá nhân cũng như lợi ích chung của doanh nghiệp.
Nguồn: Sinh viên Việt Nam