6 thông tin bạn nên tìm hiểu trước khi đi phỏng vấn
Một cuộc phỏng vấn thành công thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, và sự chuẩn bị về mặt thông tin là cực kỳ quan trọng. Nếu biết rõ được những thông tin liên quan đến quá trình phỏng vấn thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ tạo được ấn tượng đẹp với nhà tuyển dụng khi cho họ thấy được sự chủ động và quyết tâm của bạn.
Dưới đây là 6 thông tin bạn nên tìm hiểu trước khi đi phỏng vấn tìm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và bất cứ nơi nào khác, hãy cùng tham khảo nhé.
Mô tả vị trí ứng tuyển
Đây được coi là một yếu tố quan trọng liên quan trực tiếp đến vị trí ứng tuyển mà bạn cần phải tìm hiểu trước khi tham gia phỏng vấn. Công ty đang lựa chọn những ứng viên có thể đáp ứng được những yêu cầu trong bảng mô tả công việc. Do vậy nếu biết rõ các thông tin này thì bạn sẽ dễ dàng định vị được bản thân có hợp với nó hay không, đặc biệt là phần kiến thức chuyên môn, kỹ năng hay kinh nghiệm liên quan đến công việc. Việc chuẩn bị những thông tin như thế này là không hề thừa vì nó sẽ giúp bạn chủ động hơn trong quá trình chuẩn bị CV, hồ sơ xin việc thậm chí là cả ở buổi phỏng vấn.
Tìm hiểu cơ cấu tổ chức và văn hóa công ty
Một điều bất thành văn là chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ có cảm tình và đánh giá cao những ứng viên có tìm hiểu về doanh nghiệp của họ. Một số thông tin chung bạn cần nắm về công ty trước khi đi phỏng vấn có thể là: lịch sử hình thành, quy mô doanh nghiệp, tên giám đốc công ty, các bộ ban trong công ty… và quan trọng không kém chính là sự am hiểu văn hóa doanh nghiệp.
Thực tế, các chuyên gia trong ngành nhân sự đánh giá rằng nếu nhân viên phù hợp với văn hóa thì họ hoàn toàn có thể gắn bó và giúp công ty phát triển tốt hơn gấp nhiều lần so với những nhân sự chỉ có chuyên môn, không phù hợp với văn hóa. Bạn có thể tìm hiểu về tầm nhìn, sứ mệnh cũng như giá trị của công ty trên website, fanpage… để có cái nhìn tổng quát về văn hóa của doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Khách hàng, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp
Nếu như bạn đã quyết định ứng tuyển vào một vị trí nào đó thì chắc chắn bạn phải nắm được thông tin về khách hàng, sản phẩm cũng như dịch vụ mà công ty đó đang cung cấp. Trong trường hợp bạn thu thập được nhiều thông tin liên quan đến các mục vừa nêu thì hẳn là bạn sẽ có sự chuẩn bị hoàn chỉnh hơn cho các câu hỏi khi phỏng vấn. Bạn có thể tìm kiếm trên trang web chính thống hoặc các tài khoản mạng xã hội của công ty. Hoặc đối với những doanh nghiệp lớn, bạn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm Google để tra cứu những bài báo, bài nghiên cứu báo cáo để hiểu rõ hơn về đặc điểm nổi bật sản phẩm của công ty và các thành tích nổi bật mà công ty đã đạt được.
Tin tức và sự kiện gần đây về công ty
Đây cũng là một trong những mục thông tin quan trọng cần phải cập nhật trước khi buổi phỏng vấn diễn ra. Chúng có thể là dòng sản phẩm mới ra mắt, sự kiện tài trợ, sự kiện từ thiện… của công ty. Điều này sẽ chứng tỏ sự quan tâm của bạn đối với công ty cũng như cho nhà tuyển dụng thấy khả năng nắm bắt nhanh nhạy của bạn. Với sự phát triển công nghệ như hiện tại thì chắc chắn bạn sẽ có thể dễ dàng tìm ra thông tin này chỉ qua vài cú click chuột.
Quy trình tuyển dụng
Bên cạnh đó, bạn cũng nên nắm được những thông tin quan trọng trong quá trình tuyển dụng, chẳng hạn như việc bạn sẽ phải trải qua bao nhiêu vòng phỏng vấn, hình thức phỏng vấn như thế nào, cần phải mang đến công ty những tài liệu gì để phỏng vấn, bao nhiêu lâu sẽ có kết quả phỏng vấn… Bạn có thể hỏi trực tiếp bộ phận tuyển dụng của công ty về các thông tin nêu trên. Và thực tế là những thông tin này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong lúc đợi phỏng vấn, tâm lý bạn sẽ thoải mái hơn khi đã hình dung được các vấn đề có thể xảy ra.
Tìm hiểu về người phỏng vấn
Bạn có thể tìm hiểu thông tin mà người phỏng vấn mình thông qua phòng nhân sự của công ty đó. Bạn nên biết người phỏng vấn của mình là ai, thuộc vị trí nào, chuyên môn là gì… để có được sự kết nối ngay từ lúc họ mới bắt đầu phỏng vấn, trao đổi công việc với bạn. Những mẩu đối thoại nhỏ ngoài lề nhưng liên quan đến nhà tuyển dụng sẽ cho thấy được bạn có quan tâm đến họ và giảm được sự căng thẳng – điều khiến hầu hết mọi người đều “sợ hãi” khi đi phỏng vấn.