Phước báo cho cuộc đời nảy mầm từ việc trồng một cây xanh
Công đức của việc trồng rừng rất lớn vì trồng rừng là giữ lại sự sống cho thế giới. Điều này cũng có ý nghĩa như bố thí thuốc men, tiền bạc, cơm gạo, thả phóng sinh chim, cá…
Sống trên cuộc đời này, tất cả chúng ta đều mắc nợ rừng. Từ cái ghế chúng ta ngồi, cái bàn ta viết, nhà cửa ta ở đến những công trình lớn nhỏ…, tất cả đều làm bằng gỗ lấy từ cây xanh. Vì vậy, chúng ta phải biết ơn rừng và phải trồng lại rừng cây.
Người siêng năng trồng cây xanh sẽ là người giàu có. Theo ‘nhân quả’, người siêng năng trồng cây xanh sẽ là người giàu có, người chặt phá cây rừng sẽ là người nghèo khó.
Ông bà ta đã từng nói: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Những người phá rừng cuối cùng sẽ phải chịu số phận thê thảm, đau khổ vô cùng.
Người siêng năng trồng rừng sẽ gặp may mắn, giàu có, trồng một cây xanh là gieo được một cội phúc cho mình.
Nên nếu ta trồng nghìn nghìn cây xanh cho đời là ta đã gieo được nghìn nghìn cái cội phúc cho mình, nên cái Nghiệp trồng cây xanh tạo nên cái phước rất lớn. Do đó Phật tử dù là người không biết trồng cây, không biết trồng rẫy cũng phải tìm mọi cách trồng nhiều cây xanh. Mua đồi hoang, đất trống và góp tiền với nhau để trồng rừng, gieo trồng cội phúc cho mai sau.
Trong đời ai chưa một lần trồng được một cái cây vươn lên thì phải hiểu rằng cuộc đời mình rất bất hạnh. Người cả đời không trồng được một cây xanh nào thì phải hiểu đời mình sau này sẽ khô khan, nắng nóng không có bóng mát. Đời mình sẽ có nhiều vất vả ở tương lai.
Cho nên dù kinh doanh, buôn bán hay làm nghề gì đó thì cũng phải tìm cách có một chỗ nào đó để trồng một cây xanh cho đời. Hễ có cây xanh mình trồng mọc lên thì nên biết cội phúc của mình được gieo xuống. Còn người nào mà cưa cây, phá cây thì kết cục là sẽ nghèo khó.
Đạo Phật chỉ tồn tại khi con người biết sống vị tha, thương yêu lo lắng cho nhau. Vì vậy, trồng rừng là việc đem lại nhiều công đức lớn cho thế giới này.
Trích bài giảng Yêu thiên nhiên – Bộ Tâm lý đạo đức/ Phật Giáo VN